Trao đổi với báo giới sáng nay, Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng lý giải về việc chọn giá tham chiếu cho ngày chào sàn là 50.000 đồng. Khi lên phương án, Vn-Index ở mức 450-460 điểm, và ngân hàng này đã cân nhắc chọn mức 55.000 đồng.
Nhưng ngay sau đó, thị trường xuống 430 điểm, và phương án 50.000 đồng được lựa chọn. "Đó là để đảm bảo thành công cho phiên giao dịch đầu tiên", ông Hùng lý giải. Với biên độ ngày giao dịch đầu tiên là 20%, ông Hùng cho rằng CTG có khả năng đạt mức giá trần, tức là khớp lệnh ở 60.000 đồng.
Dù cân nhắc tới tình hình thị trường lình xình hiện nay, vị Chủ tịch vẫn rất lạc quan quan khi cho rằng, mức giá của CTG lẽ ra không phải 5 hay 6 "chấm", mà là 8 "chấm". Lý do, CTG là cổ phiếu hàng đầu trên thị trường, và ngân hàng này có định hướng trở thành một tập đoàn tài chính dẫn đầu.
Ngày 16/7 tới, Vietinbank sẽ niêm yết 121,2 triệu cổ phiếu phổ thông tại HOSE, trong đó khối lượng được tự do chuyển nhượng là 73,88 triệu, tương đương 61%. Tổng giá trị của số cổ phiếu được chuyển nhượng là 738,8 tỷ đồng.
Vietinbank chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2008, với giá đấu thành công bình quân 20.265 đồng. Đến nay, ngân hàng này đã bán 10% cổ phần, trong đó 6% thuộc đợt IPO, 2% bán cho công đoàn, 2% cho nhà đầu tư chiến lược trong nước. Ngân hàng lên kế hoạch bán thêm 10% cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Đối với giới phân tích cũng như nhà đầu tư, việc Vietinbank niêm yết không mang lại nhiều kỳ vọng như trước. Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích Công ty quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), cho rằng, với giá chào sàn gấp đôi giá đấu thành công bình quân, áp lực bán vào những ngày đầu tiên sẽ rất lớn. Bởi với mức giá chào sàn này, tỷ suất lợi nhuận của những người trúng đấu giá đã là 100%. Bản tin phân tích của nhiều công ty chứng khoán cũng có chung nhận định.
Khi được hỏi về vấn đề này, Chủ tịch Phạm Huy Hùng cho rằng, thời điểm thị trường hiện nay và cuối năm 2008, khi Vietinbank thực hiện IPO, khác xa nhau. Bởi nay thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đã qua đáy. "Những người nắm giữ cổ phiếu Vietinbank hoàn toàn nhận thức được giá trị, nên họ không "ăn xổi", bán vội vàng để hiện thực hóa lợi nhuận. Trong năm nay và 2010, giá trị của CTG còn gia tăng", ông Hùng khẳng định.
Trước Vietinbank, hai đại gia tài chính - ngân hàng khác là Vietcombank và Bảo Việt cũng đã niêm yết thành công. Trong đó, VCB tăng trần trong 2 phiên đầu và BVH được tranh mua trong 5 phiên, nhưng rồi cùng bị bán mạnh. Đáng chú ý là lực mua 2 cổ phiếu này phần lớn xuất phát từ nhà đầu tư nước ngoài, chứ không phải trong nước.
Đóng cửa phiên hôm nay, VCB rơi xuống dưới giá tham chiếu của ngày chào sàn, và chốt ở mức 49.000 đồng. BVH cũng đang trên đà lùi về giá chào sàn, phiên này dừng ở 41.900 đồng. Trong những phiên gần đây, 2 cổ phiếu vốn hóa lớn này đã góp một phần vào đà rơi của Vn-Index.
Hiện Vietinbank có tổng tài sản lớn thứ tư trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với hơn 193.280 tỷ đồng và vốn điều lệ đứng thứ hai, đạt 112.530 tỷ đồng. Nhà băng này có mạng lưới lớn thứ hai, chỉ sau Agribank. Tỷ lệ nợ xấu năm 2008 cũng nằm trong nhóm thấp, với 1,09%, so với 2,7% của Agribank, BIDV 4,02%, Vietcombank 4,69%. Song tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank vẫn cao hơn 2 ngân hàng niêm yết khác là ACB và STB, lần lượt ở mức 0,88% và 0,6%.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân và Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của nhà băng này trong năm 2008 cũng không thuộc mức cao trong hệ thống ngân hàng, lần lượt đạt 1% và 15,7%. Theo kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua, tỷ lệ cổ tức của Vietinbank trong năm nay là 10%, mức trung bình so với các doanh nghiệp niêm yết.
Ngọc Châu