Một thập kỷ trước, các cổ động viên của Milwaukee Bucks từng chứng kiến hậu vệ Michael Redd đi vào ngôi đền huyền thoại bằng phong độ chói sáng. Hậu vệ này ghi trung bình 26,7 điểm trong 11 mùa và được giữ chân bằng bản hợp đồng giá trị chưa từng có trong lịch sử đội chủ sân Harris Bradley Center, lên tới 91 triệu đôla Mỹ.
Ở thời đỉnh cao, Redd đã lọt vào đội hình All-Star 2004, đoạt HC Vàng Olympic Bắc Kinh 2008 cùng tuyển Mỹ và giữ kỷ lục ném ba điểm nhiều nhất trong một hiệp (8 lần thành công) ở mùa giải 2001-02 (kỷ lục sau này bị Klay Thompson phá năm 2015). Nhưng hình ảnh của Redd trong màu áo Milwaukee đang được thay thế hoàn hảo bằng người đàn em có cái họ khó đọc hơn rất nhiều: Giannis Antetokounmpo.
“Tôi chưa từng thấy một cầu thủ nào như cậu ta. Những con số của cậu ta đủ gây nên cơn địa chấn. Cách cậu ta chơi bóng đơn giản là không thể ngăn cản được. Cứ như cậu ta tới từ một hành tinh khác vậy”, Redd, đã giải nghệ gần 5 năm trước, nói với tờ New York Times sau khi chứng kiến Giannis lập kỷ lục ghi 44 điểm ở trận thắng 113-110 trước Portland hôm 21/10.
Sau 24 trận mùa này, Giannis đạt trung bình 29,8 điểm mỗi trận, vượt xa số điểm trung bình từng giúp Redd trở thành huyền thoại của Milwaukee Bucks. Nhưng nếu Redd có xuất phát điểm lý tưởng, bắt đầu cầm quả bóng cam từ khi năm tuổi, được ăn tập bài bản suốt thời phổ thông và đại học trước khi thẳng tiến đến NBA, thì tuổi thơ của Giannis có thể khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
Sinh ra trong một gia đình Nigeria nhập cư vào Hy Lạp cuối năm 1994, Giannis sớm phải trải qua những cực khổ giống như hàng triệu đứa trẻ châu Phi khác trong các khu ổ chuột ở châu Âu. Cuộc sống của người nhập cư khiến ông Charles Antetokounmpo, cha của Giannis, không thể kiếm được việc làm ổn định. Trong khi bà Veronica, mẹ anh, mắc bệnh nặng nên mất khả năng lao động. Ông Charles phải làm đủ nghề, từ bốc vác tới buôn bán vặt trên hè phố để có tiền mua thuốc cho vợ và nuôi năm đứa con.
Suốt thời niên thiếu, Giannis và các anh trai không thể đi học vì thiếu giấy tờ tùy thân và gia cảnh nghèo khổ. Họ cùng ông Charles kiếm sống bằng việc bán đồ chơi, nón, túi xách, mắt kính… trên đường phố Athens. Vừa bán, Giannis và anh trai vừa phải trông chừng cảnh sát có thể tới bắt bất kỳ lúc nào. Cho tới năm 18 tuổi, cậu nhóc sở hữu chiều cao vượt trội vẫn không có quốc tịch. Thời điểm ấy, về mặt hành chính, Giannis và các anh trai không hề tồn tại trên đời.
“Cứ hình dung, bạn luôn phải sống trong nỗi sợ hãi bởi cảnh sát sẽ đến và buộc bạn phải rời khỏi đất nước này để trở về Nigeria. Thời điểm đó, ngày nào không chết đói, không bị cảnh sát sờ gáy và có thể đem được đồ ăn về nhà, với chúng tôi, đó là ngày hạnh phúc”, Giannis chia sẻ với New York Times trong cuộc phỏng vấn tháng 11 vừa qua.
Năm 2007, khi đã 13 tuổi, Giannis mới bắt đầu chơi bóng rổ. Trước đó, anh chỉ thích bóng đá. Anh trai Thanasis là người đầu tiên ném trái bóng cam về phía Giannis và rủ cậu chơi cùng. Một thời gian sau, HLV Spiros Velliniatis tới khu nhà của gia đình Antetokounmpo để xem có thể tuyển chọn Thanasis vào CLB của ông hay không. Nhưng Thanasis đi vắng và Spiros chỉ gặp Giannis. Nhận thấy chiều cao lý tưởng của cậu bé 15 tuổi, Spiros ra sức thuyết phục Giannis theo đuổi con đường bóng rổ.
Vì yêu bóng đá, Giannis ban đầu một mực từ chối. Nhưng khi Spiros nói về quốc tịch Hy Lạp, về một khoản lương nếu gia nhập đội trẻ của CLB Filathlitikos, và về việc ông có thể giúp cha mẹ Giannis tìm việc làm, cậu bé đã gật đầu đồng ý. Những năm chơi cho đội trẻ Filathlitikos với đồng lương ổn định đã giúp Giannis quyết định gắn bó với sự nghiệp bóng rổ. Khi ấy, giấc mơ một ngày nào đó gia nhập NBA bắt đầu thai nghén bên trong Giannis, với hình ảnh của thần tượng số một Allen Iverson luôn lởn vởn trong tâm trí.
Năm 2012, nhờ chiều cao 2m11, thể lực phi thường và kỹ năng ấn tượng, Giannis được ban lãnh đạo gọi lên thi đấu cho đội một Filathlitikos, tranh tài tại giải hạng Hai của Hy Lạp. Mới 18 tuổi nhưng Giannis thi đấu chững chạc, góp mặt trong 26 trận của Filathlitikos ở vị trí tiền phong phụ và ghi trung bình 9,5 điểm mỗi trận.
Sự nổi bật của Giannis bắt đầu thu hút những tuyển trạch viên tới từ NBA. Năm 2013, Giám đốc điều hành CLB Milwaukee Bucks là John Hammond bay tới Hy Lạp theo lời gợi ý của một số “chuyên gia săn đầu người”, trong đó có đại diện của Giannis. Ông xem một trận đấu của Filathlitikos, nơi Giannis cho thấy phần nào tiềm năng của anh.
Nhưng giữa rất nhiều cái tên mới nổi của làng bóng rổ Mỹ và châu Âu, Giannis không phải là một hiện tượng quá mới lạ và đặc biệt. Chiêu mộ một cầu thủ như Giannis là canh bạc mạo hiểm với Hammond so với việc tuyển chọn một tài năng trẻ người Mỹ đã được kiểm định kỹ lưỡng hơn. Nhưng trong nỗ lực tạo sự khác biệt cho đội nhà, Hammond đã quyết định đánh bạc bằng quyết tâm đưa bằng được Giannis về với Milwaukee.
Giấc mơ Mỹ của Giannis trở thành hiện thực sau kỳ draft năm 2013 khi anh được Milwaukee lựa chọn ở vị trí thứ 15. Cậu bé nhập cư gốc Nigeria từng lang thang kiếm sống khắp các con phố Athens ngày nào giờ đã là một tài năng triển vọng ở NBA, nhận được sự chú ý đặc biệt của giới phóng viên và các siêu sao đương đại như LeBron James hay Kobe Bryant.
Quá trình hòa nhập ở giải bóng rổ số một hành tinh không hề dễ dàng. “Tất nhiên rồi, đó là một chặng đường khó khăn. Trình độ chơi bóng ở Hy Lạp và châu Âu không thể bằng NBA. Tôi phải thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt, với phong cách thi đấu khác biệt tại đây”, Giannis nhớ lại những ngày đầu khoác áo Milwaukee, đội bóng NBA mà anh yêu thích nhất khi còn là một cầu thủ học việc ở lò đào tạo Filathlitikos.
Để giúp tân binh người Hy Lạp hòa nhập với nước Mỹ, đích thân Giám đốc điều hành John Hammond dạy anh lái xe. Hai đàn anh trong đội là Ovinton Mayo và Zaza Pachulia đưa Giannis đi khám phá thành phố, giúp anh mua những bộ quần áo mới và tặng hẳn một chiếc ô tô để đi lại. Sự đối đãi nồng ấm ấy giúp Giannis vượt qua những ngày đầu tiên khó khăn ở Milwaukee để rồi trưởng thành và tỏa sáng rực rỡ sau bốn mùa giải chơi tại NBA.
Bốn năm qua, mức lương của Giannis đã tăng từ 1,8 triệu tới 22,5 triệu đôla và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Nhưng chàng trai 23 tuổi vẫn sống giản dị, mộc mạc như ngày còn ở Hy Lạp. Để kỷ niệm tháng lương đầu tiên nhận được tại Milwaukee, Giannis mua một chiếc máy PS4 trị giá hơn 400 đôla. Nhưng ngay sau đó, anh quyết định bán lại nó cho một thành viên trong CLB vì nghĩ đến tình cảnh trước đây của gia đình ở Hy Lạp.
Nếu có một điều tiếc nuối nhất với Giannis kể từ khi tới Mỹ thì đó là cái chết đột ngột của người cha. Ở tuổi 54, ông Charles qua đời sau một cơn đau tim hôm 29/9 năm nay, thời điểm con trai đang cùng các đồng đội chuẩn bị cho mùa giải mới. Giannis đã suy sụp hoàn toàn, nhưng tình yêu của thành phố Milwaukee một lần nữa giúp anh vượt qua biến cố lớn nhất. “Tôi có thể cảm nhận tình yêu của người dân thành phố dành cho tôi mỗi khi tôi bước lên sàn đấu. Tôi rất biết ơn những sự giúp đỡ, động viên cho những gì tôi đã phải trải qua”, Giannis chia sẻ.
Cái chết của cha, người từng lao động khổ cực để nuôi Giannis khôn lớn, có lẽ cũng là động lực lớn nhất giúp cầu thủ 23 tuổi bước vào mùa giải năm nay với quyết tâm cao nhất và chơi bùng nổ tới mức có thể cạnh tranh danh hiệu MVP với những cái tên tầm cỡ như Stephen Curry, James Harden hay LeBron James. Với khả năng rê bóng, ném rổ, đột phá lên rổ và phòng ngự, Giannis đang tiến rất gần vị thế của cầu thủ toàn diện nhất NBA, người có thể kế vị LeBron James chơi tốt ở cả năm vị trí trên sân. Thậm chí, nhiều chuyên gia đã nhận định: Thời điểm LeBron James giải nghệ sẽ là lúc Giannis Antetokounmpo vươn lên số một NBA.
Nhân Đạt