Thứ năm, 30/11/2017, 16:01 (GMT+7)

LeBron James - vươn lên đỉnh NBA từ một cuộc đời đổ nát

Tuổi thơ bất hạnh - không cha, sống cùng người mẹ đơn thân - đã nuôi dưỡng ý chí sắt đá của LeBron James trong hành trình trở thành ngôi sao số một NBA.

James được xem như tấm gương lớn nhất về một tài năng vượt qua nghịch cảnh để vươn lên tột đỉnh vinh quang và giàu có ở NBA. 

Bất hạnh của LeBron James không hiếm gặp trong cuộc sống cũng như trong giới thể thao. Nhưng nó đủ để đánh gục ý chí của bất kỳ đứa trẻ da màu nào sinh ra ở Mỹ trong thập niên 80. Không cha, không nhà cửa, James lang bạt khắp các con phố ở Akron, Ohio cùng người mẹ đơn thân 16 tuổi và hoàn toàn sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Đó chính là khởi đầu trong những năm tháng tuổi thơ cơ cực của ngôi sao số một NBA hiện tại.

Cô gái trung học Gloria Marie James mang thai sau những lần quan hệ tình dục với kẻ đầu trộm đuôi cướp Anthony McClelland. Giữa họ không hề tồn tại tình yêu, như Gloria kể lại sau này, mà chỉ đơn giản là thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Việc mang trong mình giọt máu của McClelland, vì thế, nằm ngoài ý muốn của Gloria. Cậu bé LeBron chào đời vào ngày cuối cùng năm 1984, một trong những ngày đông lạnh giá nhất cuộc đời Gloria. Lúc đó, cô mới 16 tuổi.

Gia đình LeBron James rơi vào cảnh vô gia cư khi chỉ còn vài ngày nữa là anh tròn bốn tuổi. Ảnh: ESPN.

Ba năm đầu mọi chuyện không đến nỗi nào. Gloria vẫn cắp sách tới trường mỗi ngày, để LeBron ở nhà với bà ngoại và mẹ. Hai anh trai cô sống cùng trong một căn nhà lớn trên phố Hickory, cạnh con đường nhếch nhác với hàng cây sồi già nua và đường tàu cắt ngang, kế bên trung tâm thành phố Akron. Bi kịch bắt đầu vào ngày Giáng sinh năm 1987, khi bà Freda, mẹ của Gloria, qua đời sau một cơn trụy tim. Vài tháng trước, bà ngoại của cô gái trẻ đã rời trần thế. Sự ổn định của cả gia đình bị đe dọa nghiêm trọng.

Terry và Curt, hai anh em trai của Gloria, cố gắng giữ căn nhà để em gái và cháu trai có nơi sinh sống. Nhưng sự xuống cấp trầm trọng của ngôi nhà, cộng thêm việc không đủ thu nhập để trang trải các chi phí phát sinh, khiến ba anh em sớm rơi vào cảnh vô gia cư. Mỗi người phải tự tìm cho mình một chỗ ở mới khi không ai có việc làm ổn định.

Gloria mang cậu bé LeBron ba tuổi lang thang khắp các con phố ở Akron. Họ sống nhờ trong nhà của những người bạn. Mỗi chỗ ở được vài tuần hoặc lâu hơn là vài tháng. Đôi khi, vào đường cùng, Gloria lại mang LeBron tới nhà anh trai Terry nương tựa vài hôm. Hai mẹ con sống nhờ trợ cấp xã hội trong suốt thời gian này, khi Gloria không xin được công việc phù hợp vì không thể gửi con vào nhà trẻ.

Thời gian này về sau được James miêu tả chua chát: "Tài sản của tôi là một chiếc ba lô đeo trên lưng. Tôi thường nói với cái ba lô 'Nào đến giờ lăn đi rồi' mỗi khi phải cùng mẹ ra khỏi một căn hộ nào đó". Cho tới năm 1993, khi LeBron chín tuổi, trung bình cứ một tháng hai mẹ con chuyển nhà hai lần. Họ thường xuất hiện trong những khu nhà nhân đạo dành cho người vô gia cư, hoặc những địa điểm ngủ qua đêm do các nhà thờ xây dựng.

Nụ cười hiếm hoi của mẹ con James trong bức ảnh chụp với các anh em trai Terry và Curt. Ảnh: ESPN.

Suốt năm học lớp bốn, LeBron chuyển nhà 12 lần và bỏ học khoảng 100 ngày. "Cậu nhóc gặp rắc rối với những lần chuyển nhà. Nó bối rối vì bạn học mới ở những ngôi trường mới. Có lần nó nghỉ học vì không biết bắt xe buýt nào tới trường", Bruce Kelker – HLV bóng bầu dục đầu tiên của LeBron James - kể lại. 

Keller, sau một lần tình cờ gặp gỡ trên phố và nhận thấy thể hình vượt trội của LeBron, đã đưa cả hai mẹ con về sống cùng ông và bạn gái trong một căn hộ nhỏ. Keller chịu trách nhiệm đưa đón, mua đồ tập luyện và dạy bóng bầu dục cho James, đổi lại Gloria làm bánh hamburger và nấu ăn hai lần mỗi tuần.

Nhưng căn hộ nhỏ của Keller cũng chỉ giúp mẹ con James sống được vài tháng, trước khi quyết định dọn ra ngoài. Lúc này, sự nổi bật của James trong các trận bóng bầu dục dành cho những đứa trẻ dưới 10 tuổi tại Akron đã thu hút sự chú ý của Frank Walker, một chuyên gia đào tạo trẻ địa phương. 

James trong đội bóng rổ trường trung học, nơi anh bước những bước đầu tiên trên con đường gia nhập NBA. Ảnh: Bleacher Report.

Biết hoàn cảnh khó khăn của mẹ con James, ông Walker đề nghị giúp đỡ bằng cách đưa James về sống cùng gia đình ở ngoại ô Akron. Gloria sẽ có thời gian đi tìm việc làm, sống nhờ ở nhà bạn và tới thăm con vào cuối tuần. Đề nghị đó tới đúng lúc Gloria đang định gửi LeBron tới New York nương nhờ người thân. Cô gái 25 tuổi đồng ý thỏa thuận với Walker, và đó chính là bước ngoặt đưa LeBron James tới thành công ở NBA sau này.

Gia đình Walker, với hai cậu con trai trạc tuổi LeBron, đã đưa cậu bé vô gia cư vào khuôn khổ. Họ đánh thức James dậy vào 6h30 mỗi sáng, nấu cho cậu những bữa sáng tử tế và đưa cậu đến trường. James cũng được Walker cắt tóc vào thứ Bảy hàng tuần, và trong ngày sinh nhật, bà Walker làm những chiếc bánh sô-cô-la Đức cho cậu bé 10 tuổi. "Đó mới là gia đình thực sự", James nhớ lại thời gian sống trong nhà HLV Walker.

Cuộc sống khó khăn ở khu đường tàu Akron đã nuôi dưỡng quyết tâm vươn lên của chàng trai LeBron James. Ảnh: ESPN.

Sau giờ làm bài tập buổi chiều, James bắt đầu chơi bóng rổ cùng Walker và các con của ông. Dù là HLV bóng bầu dục, Walker chơi tốt bóng rổ. Ông dạy James cách rê bóng, lên rổ trái tay và nhận ra cậu nhóc có tiềm năng lớn. "LeBron là một trong những đứa trẻ chơi bóng bầu dục hay nhất tại Akron lúc ấy. Nhưng kỹ năng bóng rổ của thằng bé mới khiến tôi phải kinh ngạc. Dù lúng túng trong những ngày đầu, LeBron tiến bộ rất nhanh, sớm vượt xa những đứa trẻ cùng trang lứa", Walker kể lại với ESPN năm 2013.

James chơi cả bóng bầu dục và bóng rổ trong thời niên thiếu. Cho tới năm thứ hai trung học, khi 15 tuổi, cậu mới quyết định đi theo con đường của Michael Jordan. "Đó là một chấn thương ở cổ tay, tôi gần như đã bị gãy cổ tay sau một trận đấu. Tôi quyết định từ bỏ bóng bầu dục, dù đó là môn thể thao đầu tiên tôi yêu thích", ngôi sao của Cleveland Cavaliers chia sẻ.

Dù Walker là người có công vun đắp tài năng bóng rổ để James tỏa sáng ở đội bóng trung học St. Vincent-St. Mary, chính mẹ Gloria mới là người  truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho James. "Cô ấy như phát điên mỗi khi tới sân tập cùng James và chứng kiến con trai thi đấu. Cô ấy thậm chí đã xin vào CLB làm tình nguyện viên, sẵn sàng làm những công việc nhỏ nhất như rót nước đầy các chai hay lau dọn mọi thứ, chỉ để được ở cùng LeBron trong các buổi tập. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho thằng bé", Terry - bác của LeBron - kể lại.

Bà Gloria trải qua những năm tháng khó khăn giúp con trai đạt tới thành công tột đỉnh ở NBA với ba cúp vô địch và bốn lần đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất mùa giải.

James chưa từng quên nỗi vất vả mà hai mẹ con đã trải qua: "Tôi cám ơn cuộc đời vì điều đó. Tôi cám ơn người cha đã bỏ rơi tôi. Điều đó giúp tôi gắn bó với mẹ, cùng bà ấy trải qua những điều tồi tệ nhất và hạnh phúc nhất. Bà ấy không phải người hoàn hảo, nhưng tôi yêu bà ấy hơn bất cứ điều gì. Bà không chỉ sinh ra tôi mà còn giúp tôi trở thành người như ngày hôm nay".

James hiện tại là ngôi sao giàu tiềm năng nhất để trở thành tỷ phú tiếp theo của nước Mỹ xuất thân từ NBA, sau huyền thoại Michael Jordan. Sau lễ ký hợp đồng trọn đời trị giá 500 triệu đôla với Nike năm ngoái, James mua tặng mẹ một biệt thự trị giá sáu triệu đô ở Florida. Trước đó, ngôi sao 32 tuổi mua 10.000m2 đất ở Akron, nơi gắn liền với tuổi thơ khốn khó của hai mẹ con, để xây một trong những khu vui chơi lớn nhất bang Ohio.

"Chúa đã lấy đi của tôi nhiều thứ. Nhưng cho tôi một thứ vô giá, đó là LeBron", bà Gloria chia sẻ khi cùng James nhận giải thưởng Cầu thủ hay nhất NBA 2009. 

Những pha bóng hay của LeBron James
 
 

Kể từ khi trở thành ngôi sao hàng đầu NBA hơn một thập kỷ trước, James thường xuyên được những ngôi trường danh giá như Harvard mời về nói chuyện với sinh viên. Đó là những buổi thuyết trình nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về thành công trong cuộc sống. Có lẽ không ai ở NBA thích hợp hơn James trong những buổi nói chuyện ấy. Bởi cuộc đời anh là minh chứng đầy đủ nhất cho hành trình của một cậu nhóc đã vượt lên số phận nghiệt ngã, trở thành người số một trong lĩnh vực theo đuổi.

Nhân Đạt