Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Ủy Ban kinh tế Quốc hội về tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm. Theo đó, Bộ đề xuất Ủy ban kinh tế Quốc hội bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13 và được khoanh nợ, giãn nợ. Doanh nghiệp được giảm lãi suất; cải cách các thủ tục cho vay, đồng thời, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay có gốc ngoại tệ.
Địa ốc trằm lắng kéo theo ngành vật liệu xây dựng khó khăn. Ảnh: Hoàng Lan |
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản. Để kích cầu, Bộ đề xuất giảm một nửa thuế VAT xuống còn 5% đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2) và mua lần đầu để ở.
Kể từ cuối tháng 4/2011, cùng với động thái siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng ở hầu hết phân khúc, các doanh nghiệp địa ốc khó khăn. Thị trường bất động sản liên tục sụt giảm trên hầu hết phân khúc kéo theo đó là hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Cụ thể, lượng tồn kho gạch ốp lát toàn ngành khoảng 60 triệu m2, 40 dây chuyền phải dừng sản xuất. Doanh nghiệp xi măng hoạt động kinh doanh lỗ lớn như xi măng Tam Điệp, xi măng Hải Phòng, xi măng Quang Sơn, xi măng Cẩm Phả, xi măng Hạ Long, xi măng Sông Gianh, xi măng Sông Thao, xi măng Thăng Long, xi măng Đồng Bành.
Kính tấm tiêu thụ ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến cuối tháng 8, kính tồn khoảng 60 triệu m2. Hiện có 3/4 lò kính cán in hoa dừng sản xuất đã làm giảm 85% công suất kính cán in hoa của toàn ngành kính. Riêng Tổng công ty Viglacera có 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến 30/8 là 15,7 triệu m2.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề nghị giải cứu thị trường bất động sản. Năm 2011, tín dụng cho bất động sản được xếp vào dạng phi sản xuất, năm 2012 thuộc lĩnh vực không khuyến khích. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã phải nhiều lần đề xuất các giải pháp cứu thị trường. Sau nhiều lần lên tiếng, địa ốc không bị xếp vào dạng phi sản xuất, lãi suất cũng giảm dần song không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.
Hoàng Lan