Tại hội thảo thị trường bất động sản giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12/9, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, địa ốc Hà Nội đang phải đối mặt với lượng tồn kho lớn, nhất là ở vùng ven thủ đô. Hầu hết các phân khúc từ cao cấp đến bình dân đều giảm giá, trong đó, tốc độ giảm mạnh nhất là căn hộ trên 25 triệu đồng mỗi m2. "Giá giảm nhưng chủ yếu với các dự án dở dang, còn sản phẩm ở ngay lại thiếu. Hạ tầng xã hội như trường học, trung tâm thương mại chưa có nên người dân 'ngại' không muốn ở", ông Hà nói.
Theo thống kê của một đơn vị tư vấn, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ. Ở TP HCM con số này là 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh làm một phép tính: “Nếu tính đơn cử 1 tỷ đồng mỗi căn hộ thì số tiền 'chôn' trong bất động sản lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với 2,86 tỷ đôla, một con số không nhỏ”, ông Ánh đánh giá.
Vấn đề lớn nhất của địa ốc là đầu ra. Ảnh: Hoàng Lan |
Tồn kho trong bất động sản trở thành một vấn đề nhức nhối khiến vừa qua Bộ Xây dựng vừa đề nghị các Sở Xây dựng báo cáo về thực trạng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Theo ông Ánh, thị trường bất động sản đang gặp phải tình huống "mang hàng hiệu về nông thôn" khi bán những căn hộ giá quá cao, vượt khả năng chi trả của người dân. Mặc dù nhu cầu về nhà ở tăng cao, mỗi năm dân số tăng bình quân khoảng 1 triệu người, song chung cư vẫn ế vì với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng người lao động phải mất 20 năm không ăn không uống mới mua được nhà.
"Dự án tốt không? Tốt. Đẹp không? Rất đẹp nhưng không bán ra được. Tôi sợ là kịch bản năm nay sẽ giống năm 2009 nhưng do bối cảnh khác nhau nên sẽ không có gói kích cầu nào cả", ông Ánh lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, những cơn sốt giá và lợi nhuận trong kinh doanh đã tạo nên làn sóng doanh nghiệp điện lực, dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng ồ ạt đầu tư bất động sản. Mặc dù hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản chỉ còn 180.000 tỷ đồng nhưng thời điểm cao nhất từng lên tới 280.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, cách đây 3 năm, bản thân ông đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở về sự bất hợp lý trong cơ cấu bất động sản. Các chủ đầu tư chạy đua đầu tư căn hộ cao cấp và đến nay đã phải "lĩnh đủ" khi phân khúc này rơi vào trạng thái bão hòa.
Từ đầu năm 2012 đến nay thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Cụ thể mới đây nhất, sau khi giảm giá 7 triệu đồng mỗi m2 vào năm 2011, một chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) tiếp tục hạ 2 triệu đồng mỗi m2 để kích cầu. Ngoài ra, hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án Pháp Vân, làng Việt kiều châu Âu, Minh Khai... buộc phải bỏ ngang dự án, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng.
Số đông các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, sau một thời gian dài siết chặt, các hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản đã được gỡ bỏ, lãi suất ngân hàng đã nới rộng hơn tuy nhiên không phải dự án nào cũng tiếp cận được vốn. Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thừa nhận, ngoài dự án khả thi vẫn được Vietinbank rót vốn thì những chủ đầu tư chộp giật phải chịu "hi sinh". Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng, Vietinbank đưa ra gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng ưu đãi cho đối tượng mua nhà có nhu cầu thực ở.
Để giúp thị trường bất động sản khởi sắc, các đại biểu đều cho rằng cần có nhiều giải pháp mạnh tay hơn. Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, vấn đề khó khăn nhất là phải giải quyết hàng tồn kho của doanh nghiệp. Cục nhà đề nghị cần gián tiếp hạ giá bán thông qua miễn thuế VAT. "Tôi đề xuất miễn 10% thuế VAT cho người mua nhà để giám giá bán xuống", ông Hà nói.
Để lấy lại niềm tin đối với thị trường, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai nhìn nhận, cần đẩy mạnh các quỹ hỗ trợ nguồn cầu vào thí điểm, đồng thời đưa Quỹ tiết kiệm nhà ở vào thực tế. Để kích cầu, ông Mai cho rằng, cần có chính sách lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian vay cho người mua. Ngoài ra, để khơi thông vốn cho bất động sản, có thể huy động dài hạn từ các công cụ trái phiếu, chứng khoán...
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá, trước mắt thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay. Tuy nhiên, việc Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, thậm chí có trường hợp được vay với mức 12-13% sẽ giúp cải thiện tình hình, tạo đà phát triển cho những năm sau. "Thị trường bất động sản sẽ ấm dần hơn cùng với phục hồi kinh tế, nhưng sẽ là ấm và phụ hồi từ từ", ông Nam lạc quan.
Hoàng Lan