Do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Ngay sau khi bị cắt một số dịch vụ, khoảng 1h chiều 3/12, hàng trăm cư dân Keangnam (Phạm Hùng- Hà Nội) đã tụ tập phản đối chủ đầu tư. Hàng loạt biểu ngữ “Phản đối Keangnam thu phí cao, dịch vụ thấp”, “Hãy trả lại thang máy cho cư dân", "Dịch vụ thấp, giá trên trời"... được người dân dán rải rác từ sảnh ngoài đến tận trong 2 tòa tháp A, B. Thậm chí cư dân tại đây còn mang cả loa phát thanh để kêu gọi người dân phản đối mức phí khủng.
Cư dân còn kéo xuống vây kín phòng làm việc của Công ty TNHH ChestnutVina, ban quản lý để yêu cầu giải thích rõ hành vi cắt điện và hạn chế sử dụng thang máy. Đại diện cư dân còn mang cả loa cỡ lớn đến để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp đầy đủ dịch vụ. Khoảng một tiếng sau, công an huyện đã có mặt nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Một số cư dân mang nước uống và trải chiếu xuống tận phòng ban quản lý để "ngủ nhờ" nếu không cấp quyền ra vào thang máy. Thậm chí một số người còn mang cả bếp lò cùng than tổ ong để đốt đặt ngay tại sảnh ra vào của tháp A và B. Sự kiện này đã thu hút khá nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem.
Đại diện cư dân còn mang cả loa cỡ lớn đến để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp đầy đủ dịch vụ. Ảnh: Hoàng Lan. |
Chị Mỹ Dung, một cư dân sống tại tầng 18 cho hay, trưa 3/12, chị và gia đình gồm bố mẹ già và con nhỏ đang ngủ trên phòng thì bị cắt điện. "Thẻ thang máy cũng bị chủ đầu tư hạn chế, chúng tôi không thể lên được chính căn hộ của mình", chị Dung bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ trên, chị Trần Hoài Phương cũng nằm trong diện bị cắt điện và hạn chế thẻ thang máy. Buổi trưa, chị Ngân và chồng định đón bà nội sang chơi ngày nghỉ thì bất ngờ không thể sử dụng được thang máy. Vài phút sau đó, cả điện cũng bị ban quản lý tòa nhà cắt nốt. Theo chị Phương, việc chủ đầu tư tự ý cắt dịch vụ trong khi gia đình chị đóng tiền điện, tiền nước đầy đủ là phi lý. Thậm chí, chị Phương cho hay: "Con nhỏ tôi chưa đầy 5 tuổi, bản thân tôi lại đang mang bầu tháng thứ 5, nên việc đi lại rất khó khăn. Chủ đầu tư cắt thang máy, thì tôi sẽ về nhà bằng cách nào", chị Phương lo lắng.
Chị Phương cho biết, chị mua căn hộ từ năm 2010 với giá gần 3.000 USD mỗi m2 và căn hộ được đưa vào sử dụng từ tháng 4 năm nay. "Lúc mua chủ đầu tư hứa hẹn đủ thứ nhưng khi người dân về ở thì sân chơi trẻ em, bể bơi và hệ thống an ninh không được đảm bảo đúng như cam kết", chị Phương nói.
Cận cảnh dân Keangnam vác loa, trải chiếu, đốt than tổ ong phản đối chủ đầu tư |
Thậm chí một số cư dân đã nộp tiền điện đầy đủ vẫn bị cắt điện. Anh Hùng (trú tại phòng B1606) nộp tiền điện 22/11 với giá khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn bị cắt điện. Trước thắc mắc của cư dân, ban quản lý tòa nhà sau khi xem phiếu thu của những người đã đóng phí cho rằng họ đã cắt nhầm. Phía cư dân cho hay, lối thoát hiểm tòa nhà A cũng bị chủ đầu tư khóa không cho cư dân đi lại.
Trong thư phúc đáp gửi khách hàng, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, cho hay, trong điều 8.2 khoản B của Các điều khoản chung có nêu rõ, ban quản lý có thể ngừng cấp nước, điện, bảo trì và dịch vụ quản lý cho đến khi người chủ căn hộ hoặc người sử dụng khác thanh toán các khoản phí. Theo phụ lục 2 của Các điều khoản chung, dịch vụ quản lý bao gồm quản lý các tài sản công cộng bao gồm hệ thống thang máy. Do đó, công ty quản lý có quyền ngừng dịch vụ thang máy và các dịch vụ khác nếu chủ căn hộ không thanh toán phí dịch vụ.
Bếp lò ngay tại sảnh ra vào của tháp Avà B tòa nhà cao nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lan. |
Theo ông Ha, Kenagnam Vina thanh toán phí dịch vụ cho Chestnut ở các khu vực thuộc sở hữu của mình và có giấy tờ chứng minh cho việc trả phí. Do các cư dân Keangnam không thanh toán phí dịch vụ cho Chestnut làm đơn vị quản lý không có đủ kinh phí để vận hành tòa nhà. "Chúng tôi khuyến nghị cư dân hợp tác thanh toán phí quản lý để có thể vận hành tòa nhà một cách bình thường", ông Ha nhấn mạnh.
Bác Trần Xuân Trạch, đại diện cư dân Keangnam cho hay, mức phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra lên tới 18.843 đồng, cao gấp 4,5 lần mức quy định của UBND thành phố Hà Nội là trái quy định. Theo bác Trạch, chủ đầu tư cắt thang máy tòa nhà 48 tầng, cư dân Keangnam sẵn sàng tổ chức sinh hoạt tại sảnh lễ tân. "Mua nhà tiền tỷ rồi cuối cùng cư dân lại phải leo bộ đến 48 tầng là điều khó có thể chấp nhận ở một trong những tòa nhà cao cấp hàng đầu Việt Nam", bác Trạch bức xúc.
Công an đồn cảnh sát số 1 huyện Từ Liêm đã có mặt giảng hòa hai bên song tính 19h30 tối 3/12, chủ đầu tư chỉ cho mở 2 tháng máy chở hàng để cư dân được đi lại. Tuy nhiên, phía cư dân Keangnam chưa chấp thuận. Khoảng 19h30, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina đã có mặt tại tòa nhà Keangnam để giải quyết. Đại diện người dân cho hay, phải cấp lại quyền sử dụng của tất cả thẻ thang máy cho khách hàng thì chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà mới được rời khỏi tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Hoàng Lan