Cách đây 10 năm, tôi sống tại Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội bây giờ). Khi xe cộ chưa nhiều, các tòa nhà cao tầng chưa mọc đầy như hiện nay, việc đi qua cây cầu Chương Dương vào nội đô thành phố hiếm khi thấy tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
Nhưng bây giờ vẫn đoạn đường ấy, vẫn cây cầu ấy, lượng giao thông tăng gấp 3-4 lần. Xe ô ô nhiều hơn, xe máy cũng như thế, mà chưa có gì mở rộng thêm cả. Và chả lạ gì khi cứ bật radio giao thông lên là thấy xướng tên cầu Chương Dương...
Tất nhiên đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng đã có thể nói lên 3 vấn đề các thành phố đang gặp phải:
1. Phát triển và quản lý đô thị theo kiểu không có quy hoạch và vô tổ chức
Các nhà cao tầng phục vụ cho ăn ở, mua sắm, làm việc đều ồ ạt mọc lên. Mặc dù ngắm từ trên cao thì chưa nhiều nhưng có thể đã thấy hệ quả của nó để lại. Các nhân viên văn phòng không đủ bãi đậu xe, dân chung cư thì phải gửi xe ngoài, hầm để xe trung tâm mua sắm vừa không đủ, vừa đắt khiến người tới mua sắm cũng phải để xe ngoài.
Mật độ dân số nội đô đã đông, thì vào giờ hành chính sẽ đông hơn gấp nhiều lần. (Xem thêm: Đi xe máy ở Hà Nội 'có thể bị ngã bất cứ lúc nào')
Vấn đề tiếp theo đó là đường sá chưa phát triển tương xứng và đồng bộ. Nhà cao tầng mọc lên nhiều, mật độ dân số tăng khiến lưu lượng giao thông tăng, cũng như các thành phần phương tiện tham gia.
Đường không đủ tải đã đành, phân bổ giao thông cũng lộn xộn. Việc phân luồng giao thông ở các thành phố lớn đâu có hợp lý. Đường thì ngắn, tí chốc lại ngã ba, ngã tư, đèn đỏ, đèn xanh, vạch phân luồng thì không rõ. Không chỉ xe máy, ôtô cũng lượn trái lách phải.
Một vấn đề nữa trong phát triển và quản lý đô thị đó là mất trật tự công cộng. Hàng quán xá mọc lên trên vỉa hè, hay có mặt tiền tại các trục đường chính tất yếu người có nhu cầu sẽ vào sử dụng.
Muốn tụ tập bạn bè tại địa điểm mặt đường thì người dân không đi xe buýt được vì ở đó không phải quán nào cũng có bến xe buýt. Có ôtô cũng không thể đi được vì ở đó cấm để xe. Nhưng xe máy thì lại là chuyện khác: nhanh, tiện, đỡ chiếm diện tích. Vỉa hè có chỗ đậu rồi, vậy tội gì không đi xe máy?
Một vấn đề nữa là buôn bán hàng rong chưa khắc phục được một cách hiệu quả và triệt để. Có lệnh cấm, có triển khai rồi đấy, nhưng tất cả vẫn chỉ là sự chống chế giữa bên là dân buôn bán nhỏ lẻ với bên là quản lý đô thị, như bắt cóc bỏ đĩa.
2. Luật giao thông đúng nhưng thi hành chưa nghiêm
Ngay khi lên 18 tuổi, đủ tuổi đi xe máy, tôi đã nằng nặc đòi đi thi bằng lái. Bố mẹ thì lo thằng con không đỗ.
Cực chẳng đã, bố mẹ nhờ luôn người quen. Chả cần học buổi luật nào, hôm thi chỉ đến thi. Thi lý thuyết thì giám thị trông chỉ đáp án cho đánh. Thi thực hành cũng chỉ qua loa đại khái, mà cũng chả có gì để có thể đánh trượt được cả.
Thế là có bằng, tôi phi xe ầm ầm mà chỉ biết đúng đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi, đèn vàng thì tăng tốc. Sau lần đi vào đường một chiều bị cảnh sát tóm, tới lúc đó tôi mới biết hình dạng tấm biển một chiều.
Không phải chỉ có riêng tôi đâu, mà nhiều người cũng thế đấy. Còn nhớ hôm thi, có người ở mấy tỉnh xa về thi, họ còn không biết chữ, thậm chí còn không biết ký tên, bị ông giám thị chửi quá trời. Thế mà vẫn qua cả lý thuyết và thực hành!
Chả biết bây giờ thi bằng xe máy có nghiêm hơn không. Ra đường nhìn thấy ai đi học luật hay không học là biết ngay à. Mà kể cả học luật đi nữa, đi xe một thời gian cũng sẽ lái ẩu mà thôi. Không từ gì xe máy hay ôtô.
Lái ôtô mà đúng làn, đi đúng tốc độ trong đô thị là tôi bị mắng, bị coi thường: "Chắc lại mới tập lái đây mà! ". Rồi nhiều xe đằng sau bấm còi inh ỏi đòi vượt cho bằng được. Đúng là gần mực thì đen, các cụ nói cấm có sai.
Tôi cũng ở nước ngoài 4 năm trời, cũng hiểu sơ sơ về giao thông bên đó, mà về bên này, chỉ một thời gian là kiểu lái của tôi lại đổ đốn ngay. Vì sao thế? Luật "Tây" cũng như luật ta thôi, nhưng rõ ràng người thi hành luật lại khác.
Cảnh sát giao thông của ta xử chưa nghiêm và dân cũng vì vậy mà nhờn luật. Mà một khi đã nhờn rồi, đã thành bản chất, ăn sâu vào ý niệm rồi thì khó lòng thay đổi.
Nếu đưa tất cả hơn 90 triệu dân ta sang Tây và tham gia giao thông chỉ cần 3 tháng thôi, tôi đảm bảo là tình hình giao thông ở ta sẽ được cải thiện ngay.
Sang đó bị cảnh sát tóm, bị lập biên bản phạt tiền cả trăm đôla, và đừng mơ chạy tội. Và rồi, tự dưng tháng sau tiền bảo hiểm tự động tăng gấp đôi vì "bad record" (mang tiếng xấu trong cơ sở dữ liệu của công ty bảo hiểm) thì tự khắc ta sẽ biết đi đúng luật ngay.
Trường hợp xấu thì bị tước bằng, học lại và thi lại. Hoặc xấu nhất là cấm lái xe vĩnh viễn như bạn tôi từng bị vì gây tai nạn nhiều lần, làm hỏng tài sản công cộng...
3. Một nền tảng giáo dục kém dẫn tới ý thức thấp
Một nền tảng giáo dục cao cho toàn xã hội sẽ dẫn tới ý thức giao thông sẽ cao. Tất cả là do giáo dục ở ta quá thấp và có vẻ như ngày càng thấp. Kể cả ở trường cũng như ở nhà.
Tới trường cô giáo dạy an toàn giao thông từ khi mẫu giáo, đến học phổ thông, nhưng tới lúc đại học thì thôi, lớn rồi, tự tìm hiểu. Nhưng cô giáo biết đâu là lúc còn nhỏ, bố mẹ đưa đón trên đường về cũng lách, cũng rẽ. Kem bán rong trên đường, ừ thì rẽ vào mua cho con. Bánh bán trong tiệm, ừ thì tạt ngang vào ăn rồi về.
Tới đại học thì đã quá trễ, vì hình ảnh giao thông lộn xộn, phải vượt lên trước cho nhanh đã ăn rất sâu vào tiềm thức.
Con hư tại cha mẹ. Lớn lên thì tại xã hội. Cả xã hội ý thức thấp như thế, thì ai đó ý thức tự dưng cao sẽ trở thành một cá biệt, bị đào thải không thương tiếc.
Cứ nhìn ở nước ngoài, nền tảng giáo dục cao cộng với một bộ máy luật pháp nghiêm minh thì cho ra một xã hội văn minh.
Ở ta, nền giáo dục thấp, kéo tất cả mọi thứ đi xuống, từ người làm luật, người thi hành luật, tới người tham gia giao thông.
>>Xem thêm: 'Đã đến lúc cấm xe máy nội đô Sài Gòn, Hà Nội'
Ducnguyen2k10
Chia sẻ bài viết về giải pháp giao thông ở Việt Nam tại đây