"Mẹ ơi con sợ đi xe buýt lắm", sau khi cho con đi xe buýt hai lần ở hai tuyến đường khác nhau, các cháu đã nói với tôi như thế.
Lần thứ nhất, cháu lớn 9 tuổi dắt em trai 6 tuổi đi từ thành phố Biên Hòa về Ấp Suối Quýt, huyện Long Thành (Đồng Nai). Khi về đến nhà, cháu bảo: "Mẹ ơi, anh em con bị bác tài tra tấn hai lỗ tai". Tôi hỏi thì các cháu bảo không biết vì sao mà tài xế cứ chửi nhân viên thu tiền rất tục tĩu. Lúc đó trên xe chỉ còn hai anh em, các cháu không biết phải làm sao đành bịt tai lại suốt đoạn đường dài 2 km.
>> Xem thêm: Tài xế vừa lái xe buýt vừa lướt web điện thoại |
Lần thứ hai, từ Tân Thành về Biên Hòa, chiều chủ nhật nên hành khách khá đông, cháu phải đứng chen chúc. Xe chạy được một đoạn thì có người bước ra ngoài để chuẩn bị xuống xe. Cháu mừng quá định ngồi vào ghế thì ngay lập tức có một người đàn ông đẩy cháu ra để chiếm ghế. Thấy vậy, người ngồi cạnh đó đứng lên nhường ghế cho cháu. Vừa được ngồi xuống thì xe đột ngột dừng lại. Xe bị nổ lốp.
Tất cả hành khách được lùa xuống lề đường, đứng chờ tài xế lái xe đi sửa rồi quay lại đón. Nắng chiều đầu hạ cứ chiếu thẳng vào hành khách, bất chấp đó là cụ già hơn 80 tuổi hay những em bé. Một vài chiếc xe cùng tuyến (số 11) chạy qua. Những người có tiền không chịu nổi cái nắng buổi chiều nên đã bắt xe khác, còn hai anh em thằng bé và ông cụ trên 80 cùng một số hành khách khác chờ khoảng 30 phút sau mới được xe quay lại đón.
Văn hóa cư xử từ tài xế đến hành khách đều còn quá kém, phục vụ thì quá tệ, đến trẻ em còn ngán ngẩm thì hỏi làm sao người dân dám rời xa chiếc xe máy của mình?
>> Xem thêm: Không dám đi xe buýt vì sợ xuống sai bến
Trần Phương