Tôi luôn băn khoăn một câu hỏi: Với cách quản lý và quy hoạch trong giao thông đường sắt của nước ta hiện nay, liệu có nên chạy theo thành tích thời gian chạy tàu không?
Về mặt kỹ thuật, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã phân tích, mổ xẻ để chỉ ra các yếu tố có thể dẫn đến tai nạn giao thông trong ngành đường sắt như khổ đường sắt hẹp 1m, tà vẹt bê tông cứng...
Tuyến đường sắt Bắc Nam lại đi dọc các khu dân cư với đường ngang chi chít và được người dân tùy tiện mở. Ý thức của người dân trong việc giữ an toàn cho chính bản thân mình vẫn còn chưa cao. Và không thể nào cắt cử người gác đường chắn ở tất cả các đường cắt ngang đường sắt
Những tai nạn thương tâm và đau lòng xảy ra do sự vô ý, lơ đễnh của con người. Nhưng làm sao giảm được tai nạn, khi ai chả có lúc lơ đễnh? Điều này chỉ có thể giải quyết khi đường sắt cách xa khu dân cư và có hàng rào an toàn bảo vệ.
Họp chợ ngay trên đường tàu. Ảnh: Hoàng Hà
Xin đừng nghĩ cách nâng cấp đường sắt hiện nay với cách "giật gấu vá vai" chỉ nhằm thu lợi nhuận vận tải bằng cách rút ngắn thời gian chạy tàu.
Nếu ngành đường sắt thiếu kinh phí, hãy chấp nhận tốc độ "rùa" như cũ. Khi nào đủ kinh phí hãy tính toán đến việc xây dựng đường sắt đáp ứng được các tiêu chí hiện đại và tốc độ như ở các nước phát triển, và đặc biệt phải đề cao tính an toàn trên hết.
Để đảm bảo an toàn, tôi nghĩ nên xây dựng đường sắt trên cao khi qua các khu đô thị, có rào chắn ở các khu ngoài đô thị, mở rộng khổ đường sắt…
Tại sao Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ, đang phát triển mà có đến gần mười cảng hàng không quốc tế, trong khi Úc chỉ có hai? Đó là một câu hỏi đáng suy nghĩ…
Chia sẻ những câu chuyện về đời sống xã hội của bạn tại đây.