Rất nhiều bạn đọc không ngăn được sự cảm phục về tình cảm mà người mẹ Dương Thị Phương dành cho con đồng thời bày tỏ nỗi xót xa trước kết cục của tai nạn.
8h30 sáng 15/8, khi đang ngồi tại quán trước cổng chùa Tứ Kỳ (Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội), chị Dương Thị Phương hốt hoảng thấy con trai đang đi trên đường ray, cách đoàn tàu đang kéo còi vài chục mét.
Người mẹ vội lao ra ôm và đẩy con ra ngoài đường ray. Sau nỗ lực của người mẹ, cậu bé 4 tuổi thoát chết. Tuy nhiên, chị Phương bị đoàn tàu TN4 Sài Gòn - Hà Nội đâm, kéo lê đi vài chục mét và tử vong tại chỗ.
Trong tích tắc, một mạng người đã không còn, đứa bé trai 4 tuổi cũng đang phải cấp cứu.
Đoạn đường sắt trong vụ tai nạn được một số bạn đọc ở gần khu vực này cho biết rằng mỗi năm đều có mấy vụ tai nạn kiểu này xảy ra. Hậu quả nghiêm trọng như thế nhưng không thấy ngành đường sắt có biện pháp cải thiện nào.
Bạn đọc Hoàng Tùng bổ sung thêm về sự nguy hiểm tại địa điểm này: “Ai đi qua cũng phải để ý, chỗ này giao với đường dân sinh tuy có biển báo và đèn nhưng ở đoạn này rất quanh, vào cua và ngược chiều gió, tàu đến cũng khó phát hiện”.
Tai nạn đường sắt không phải hiếm hoi và có những vụ tai nạn do chính lỗi nạn nhân, nhưng vấn đề được nhiều bạn đọc bức xúc trong vụ tai nạn trên chính là đoạn đường sắt này gần ngay khu dân sinh đông đúc, sát ngay đường lớn, nơi diễn ra rất nhiều hoạt động thường ngày nhưng lại không hề có rào chắn nào.
Đây chính là lý do chính dẫn tới việc cháu bé đã thoải mái đi vào khu vực này khi có tàu đang đến và người mẹ trên chỉ kịp lao đến đẩy con ra, còn mình thì mất mạng.
Tình trạng không có hàng rào chắn còn khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí đã có nhiều vụ tai nạn thảm khốc hơn khi các phương tiện giao thông khác cố tình vượt qua đường sắt tại những khu vực không có rào chắn hoặc các tín hiệu rõ ràng.
Thực trạng này cũng là điều mà đa số bạn đọc đều cho rằng để giảm thiểu những tai nạn đường sắt kiểu này thì cách tốt nhất phải có rào chắn.
Bạn đọc Trần Trung Dũng còn gợi ý các phương án cảnh báo khác: “Nếu ở đó có một hàng rào chắn người và xe qua lại hoặc trồng một hàng cây thấp vừa trang trí vừa chắn đường, yêu cầu người dân bắt buộc phải đi qua những nơi giao cắt được tình toán sẵn và có đèn tín hiệu, cán bộ đường sắt hướng dẫn” thì sẽ hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Việc thiết lập rào chắn tại các đường ray xe lửa cắt ngang đường dân sinh là điều kiện bắt buộc đối với ngành đường sắt, đã có rất nhiều vụ tai nạn xuất phát từ lý do này.
“Các nhà quy hoạch giao thông cần xem xét đã đến lúc chuyển ga tàu từ nội thành ra ngoại thành và mở thêm các tuyến xe buýt phục vụ trung chuyển. Như thế thiết nghĩ sẽ giảm được các tai nạn thương tâm”. Đề xuất này của một bạn đọc không phải là điều quá mới mẻ nhưng có lẽ đó cũng là một phương án tương lai rất cần ngành đường sắt nhanh chóng nghiên cứu.
Diễm Phương