Xin chia buồn với sự thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic. Thành tích yếu kém của các vận động viên (VĐV) lần này, theo tôi, xuất phát từ những nguyên nhân sau:
1. Chuyên môn, trình độ của các nhà lãnh đạo làm thể thao yếu và kém.
2. Chiến lược và kế hoạch làm thể thao của chúng ta không rõ ràng và dài hạn.
3. Bộ máy lãnh đạo chồng chéo và quá cồng kềnh.
4. Tâm lý của lãnh đạo, VĐV và người dân quá hài lòng với những gì mình có và không có chí tiến thủ.
5. Truyền thông thường có những lời lẽ tung hô quá mức khi VĐV có một chút thành tích và cũng vùi dập không thương tiếc khi VĐV thất bại.
Giải quyết vấn đề trên như thế nào?
1. Tuyển chọn lãnh đạo các ngành công khai minh bạch, rộng rãi và thực sự có năng lực. Chúng ta có thể thi tuyển chọn nhiều vòng, mời các chuyên gia thực sự (thậm chí là chuyên gia nước ngoài) để làm ban giám khảo.
2. Chiến lược và kế hoạch phải được công khai với dân chúng. Hãy để cho nhân dân, đặc biệt là những người dân quan tâm đến thể thao theo dõi và giám sát về tính khả thi của những kế hoạch này. Các kế hoạch phải mang tính lâu dài, và có tính kế thừa, chứ không phải mỗi lần thay đổi bộ máy, thay đổi lãnh đạo lại thay đổi cách làm.
3. Tinh giản bộ máy. Hiện nay có quá nhiều ban bệ được đặt ra làm cho bộ máy thể thao cồng kềnh, dẫn tới lãng phí nhưng lại hoạt động không có hiệu quả.
4. Phải có "bản lĩnh từ chức" khi không hoàn thành trách nhiệm. Hiện nay, trong bộ máy các ban ngành có quá nhiều "tốt thí" để "sử dụng" cho những khi thất bại. Còn các lãnh đạo thì luôn ngân điệp khúc muôn thưở "nghiêm túc rút kinh nghiệm", "rất lấy làm tiếc", "đã cố gắng hết mình", v.v... để rồi mọi thứ vẫn như cũ.
Điều cuối cùng, tôi nghĩ quan trọng hơn hết là nên "nhìn thẳng, nói thật". Phải thừa nhận "sức khỏe" mình yếu kém, có bệnh thì mới có thể chữa bệnh. Chứ cứ quanh co, né tránh không dám thừa nhận sự thật thì có là "thần y" cũng không thể kê được liều thuốc "giảm đau" nào cho thể thao Việt Nam.
Hoàng Anh Đức