Như vậy, cùng với thất bại của Nguyễn Thị Thanh Phúc ở bộ môn đi bộ, Olympic London 2012 đã khép lại với kết thúc trắng tay buồn bã của đoàn thể thao Việt Nam.
Từ trái qua: Quốc Toàn, Xuân Vinh, Tiến Minh.
Bên cạnh việc công nhận sự thi đấu nỗ lực của các vận động viên (VĐV) nước nhà và chia sẻ nỗi buồn thất bại, công đồng mạng cũng đã rất thẳng thắn đóng góp những ý kiến về nguyên nhân thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại thế vận hội lần này.
1. Tâm lý thi đấu của các VĐV quá yếu.
Về mặt thực lực, trong một số môn, VĐV Việt Nam không hề thua kém và hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương. Có thể kể đến những cái tên như Quốc Toàn ở môn cử tạ, Xuân Vinh của bộ môn bắn súng hay Tiến Minh của cầu lông.
Nhưng đáng tiếc thay, dù có khả năng, các VĐV của chúng ta vẫn nhận những thất bại đáng tiếc khi chịu thua "đấu thủ vô hình" mang tên tâm lý.
Nhận xét về thất bại của Tiến Minh ở vòng loại trước tay vợt Ấn Độ, độc giả Sinh Thành cho biết: "Nhìn vẻ mặt Tiến Minh khi ra sân giống như thể anh nghĩ mình sẽ thua. Lúc giành được điểm số lẽ ra anh phải thể hiện cử chỉ quyết tâm, đằng này vẫn vẻ mặt rất nhăn nhó."
Một trường hợp khác, nghi vấn về việc VĐV cử tạ Trần Quốc Toàn để vuột mất cơ hội giành HCĐ vì tiếng cổ vũ bất ngờ vang lên từ các CĐV cũng khiến dư luận xôn xao, qua đó đặt ra một câu hỏi lớn về vấn đề bản lĩnh thi đấu, khả năng giữ trạng thái tâm lý thi đấu ổn định của VĐV Việt Nam trong các cuộc tranh tài lớn.
Nỗi lo lắng, căng thẳng của VĐV hiện rõ trên nét mặt, đến nỗi khán giả xem truyền hình trực tiếp từ quê nhà còn nhận thấy được, và lo lắng thay.
Thức đến 2 giờ sáng chỉ để chờ xem và cổ vũ cho Tiến Minh thi đấu ở trận đầu tiên vòng loại bảng D, bạn đọc Thắng chia sẻ: "Set 1 thật sự làm hồi hộp quá. Nhìn biểu hiện trên nét mặt rõ ràng Tiến Minh đã tỏ ra rất căng thẳng."
"Nét mặt của Tiến Minh khi thi đấu không làm cho những người ủng hộ cảm thấy yên tâm, tin tưởng." - độc giả Hoàng cho biết.
Chưa nói đến việc đã tự thua chính bản thân mình, việc thể hiện quá rõ tâm lý căng thẳng như vậy, nếu những đối thủ nhạy bén nắm được và biết cách tận dụng, sẽ khiến cho con đường đến chiến thắng của VĐV Việt "đã xa còn gặp thêm núi cao."
Nhiều độc giả gợi ý rằng, nên chăng cần suy nghĩ đến việc mời thêm HLV tâm lý cho các VĐV Việt Nam.
2. Đầu tư dàn trải và loanh quanh 'ao làng'
"Với cách làm thể thao như hiện nay thì có mười hay hai mươi năm nữa cũng thế thôi. Ở các nước phát triển, thể thao gắn liền với các trường phổ thông. Qua đó người ta phát hiện ra những nhân tài cho đất nước. Còn ở ta, với một chương trình học nặng nề, lạc hậu cộng với sức ép thành tích thì các em học sinh chỉ suốt ngày học và học... Như thế thì lấy đâu ra tài năng thể thao cho đất nước." - độc giả Zuri phân tích.
Ở các cường quốc thể thao, việc tìm kiếm, tuyển chọn và huấn luyện các VĐV nhí rất được chú trọng, dù cách làm có thể khác.
Điển hình là hai quốc gia đang dẫn đầu bảng xếp hạng Olympic hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.
Với Trung Quốc, đó là chiến lược săn tìm, tuyển những tiềm năng thể thao ngay từ khi còn rất nhỏ. Các em được khép vào một chế độ dinh dưỡng và luyện tập khắc nghiệt, sống tập trung, hạn chế tiếp xúc và có thể nói, gần như cách ly với gia đình để đạt mục tiêu duy nhất: HCV Olympic.
Còn với Mỹ, mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển thể thao là việc xã hội hóa thể thao, gắn thể thao thành tích cao với thể thao học đường. Những VĐV có thành tích cao sẽ được các trường mời chào, săn đón, được cấp học bổng, được quyền ưu tiên trong một số môn học...
Chưa so sánh về tầm nhìn và chiến lược, chỉ nói về thời gian và kinh phí thì sự đầu tư của chúng ta chưa bằng được 1/10 các nước. Hướng đầu tư thì dàn trải và tự phát. "Chúng ta chỉ mới loanh quanh ở 'ao làng' Đông Nam Á. Còn với những sân chơi lớn như Olympic thì mục tiêu là dành được nhiều suất tham dự là vui rồi." - một độc giả cho biết.
Dù vậy, việc có "danh tiếng" ở đấu trường Đông Nam Á cũng chẳng khiến những người yêu thể thao vui mừng khi đến lúc vươn ra xa hơn, chúng ta lại trắng tay. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore... dù chưa có HCV những cũng đã có những môn dành được HCB, HCĐ và có tên trên bảng tổng sắp HC.
3. Yếu từ khâu phong trào
"Tôi nhận thấy ý thức rèn luyện sức khỏe của chúng ta quá thấp. Bây giờ đi đâu, dù vài trăm mét tôi cũng chỉ thấy mọi người đi xe máy mà có mấy ai chịu đi bộ. Chiều về thì quán nhậu nào cũng đông nghẹt người nhưng thử hỏi có được mấy nơi tập thể dục mà đông đúc như vậy." - bạn Tuấn Anh cho biết.
Đây là một vấn đề loanh quanh khi người dân không mặn mà với chuyện tập luyện thể thao, dẫn đến phong trào kém phát triển, từ đó không tuyển lọc được các VĐV cho các đội tuyển năng khiếu, do đó thành tích kém khi thi đấu quốc tề và người dân lại càng buồn lòng và càng không mặn mà với thể thao.
Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn này, những người có trách nhiệm trong ngành thể thao "phải có một chiến lược đột phá, mạnh dạn, chứ với cách làm 'ăn xổi ở thì' như hiện nay thì không thể trông mong được gì." - một độc giả góp ý.
Dù rất tiếc nuối và buồn lòng, nhưng thất bại của thể thao Việt Nam tại kỳ Olympic này không làm nhiều độc giả ngạc nhiên.
Độc giả Kien Vu cho biết: "Tôi theo dõi và không bỏ qua một trận tranh tài nào của VĐV Việt Nam. Tôi không bất ngờ với kết quả bởi đó là điều tất yếu, nếu thi đấu hết mình thì không có gì phải hổ thẹn. Trình độ của chúng ta còn quá xa."
Nói một cách khái quát, thất bại nặng nề của thể thao Việt Nam "nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do việc đầu tư từ ngọn mà không là từ gốc. Đáng ra phải có chương trình, chiến lược dài hơi để tuyển chọn và đào tạo các VĐV một cách căn bản nhất, chúng ta lại để cho các đơn vị địa phương tự bơi, sau đó chọn một vài VĐV có thành tích khá, huấn luyện cấp tốc để mong lấy thành tích thì thất bại là tất yếu." - độc giả Quốc Khánh kết luận.
Vũ Vy
Bạn cũng muốn 'bày mưu tính kế' cho tương lai thể thao Việt Nam? Chia sẻ câu chuyện của mình tại đây.