Độc giả Manlonely612 chia sẻ với VnExpress.net: “Chẳng có nền bóng đá nào "chuyên nghiệp" như ở Việt Nam. Các ông bầu muốn chơi thì chơi, muốn bỏ thì bỏ, không có bất cứ một nguyên tắc ràng buộc nào. Đội xuống hạng lại có thể bỏ tiền ra "mua suất" thăng hạng. Thiết nghĩ, giải vô địch quốc gia nên chăng tạm dừng một thời gian để làm lại, vì nhà không thể dột từ nóc".
Ngày 2/10, ông Nguyễn Vĩnh Thọ - chủ tịch câu lạc bộ (CLB) bóng đá Navibank Sài Gòn sau gần một tháng trong tình trạng “không thể liên lạc được” đã gửi thư đến Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) TP HCM với nội dung không thể tiếp tục cáng đáng đội bóng vì tình hình kinh tế khó khăn và mong muốn chuyển giao đội bóng lại cho TP.HCM.
Các ông bầu lần lượt rút lui khiến bóng đá Việt Nam "điêu đứng". Ảnh: TT24H
Trước đó, ông Đỗ Quang Hiển, bị sức ép của dư luận về việc “một ông chủ hai đội bóng” cũng đã khẳng định trước báo chí việc thoái vốn hoàn toàn khỏi hai Công ty cổ phần thể thao T&T và SHB Đà Nẵng. Ông cũng phủ nhận quyền quản lý của mình với CLB Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, và cả CLB Hà Nội vừa mới thăng hạng năm nay.
Trước thông tin lần lượt các ông bầu bóng đá rời bỏ "cuộc chơi”, nhiều độc giả đã gửi ý kiến về VnExpress.net tỏ ý không đồng tình và chê trách cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của các ông bầu.
Độc giả Phitruongbtv góp ý rằng kinh tế khó khăn là tình hình chung, nếu ông bầu nào cũng tùy tiện vịn vào đó để từ bỏ trách nhiệm thì bóng đá Việt Nam sẽ ra sao. Nếu có trách nhiệm, có tâm và thật sự đam mê bóng đá thì đây không phải là lúc quay lưng mà là lúc các ông bầu phải cùng VFF, VPF chung tay tháo gỡ khó khăn cho các CLB.
“Cách làm của các ông bầu khiến tôi có cảm giác bóng đá Việt Nam là một món hàng buổi chợ chiều” – một độc giả nhận xét.
Trong khoảng 10 năm gần đây, sự tham gia của các ông bầu khiến bóng đá Việt Nam thay đổi chóng mặt. Giá chuyển nhượng cầu thủ liên tục bị phá, từ mức vài trăm triệu, nay được tính toàn bằng tiền tỷ. Giá của các ngoại binh cũng liên tục tăng. Lương, thưởng của các cầu thủ cao chót vót và đến thời điểm này, như nhận xét của ông Nguyễn Văn Vinh, bóng đá Việt Nam như một quả bóng căng phồng, đến lúc vỡ.
“Các ông bầu đầu tư bóng đá theo kiểu phong trào và nay đã đến lúc thoái trào”. – độc giả Nguyễn Nam Hồng cho biết.
Ở một góc nhìn khác, nhiều độc giả lại không lấy làm ngạc nhiên về kết quả này, thậm chí còn ủng hộ các ông bầu rút vốn đầu tư khỏi bóng đá bởi đây là những khoản đầu tư sai lầm.
Độc giả Nguyễn Nam Phong nhận xét: “Tôi cho rằng ông Nguyễn Vĩnh Thọ rất khôn ngoan và tỉnh táo, bóng đá nam Việt Nam từ lâu đã quá kém cỏi, mất lòng tin ở người hâm mộ”.
“Bỏ là phải khi các ông chủ kinh doanh không có lãi, các cầu thủ thi đấu thì dở, ý thức đạo đức thì kém. Tôi ủng hộ các ông chủ hãy bỏ bóng đá” – độc giả Hoanghai nói.
Việc các ông bầu rút vốn sẽ khiến bóng đá Việt điêu đứng, nhưng như góp ý của nhiều độc giả, đã đến lúc bóng đá Việt Nam nên trở về với đúng giá trị thực, bởi "không thể mãi đi trên đôi chân của người khác và ngồi tự mãn, ảo vọng trên núi tiền" (độc giả Nguyen Bang Phuong).
Một cách lạc quan, độc giả Thanhthanh cho biết: "Đây là cơ hội để bóng đá Việt Nam nhìn nhận và xây dựng lại". Chỉ khi nhìn nhận đúng bản chất, đúng vị trí của mình thì mới có thể có các bước phát triển đúng đắn và bền vững tiếp theo.
Xem thêm: 'Thần y' cho thể thao Việt Nam
Vũ Vy
Chia sẻ những câu chuyện của bạn về bóng đá Việt Nam tại đây.