Với những người chịu áp lực của đồng tiền thì điều này thực sự kinh khủng đối với họ. Tiền không thể tự đẻ ra tiền mà ngược lại họ phải làm việc cật lực để tạo ra tiền nuôi sống họ từng ngày.
Trong một cuộc nói chuyện với bạn bè trong giới tài chính - đầu tư - chủ doanh nghiệp, nhiều người ngồi lặng im vài giây khi tôi hỏi câu hỏi “ nếu tôi có 1 tỷ đồng, giờ tôi nên đầu tư ở đâu để tiền đẻ ra tiền đây?”
Anh thì chứng khoán, anh bất động sản, anh thì kinh doanh vàng, anh ngân hàng, anh cho vay chợ đen…đều giữ im lặng mà không xông xáo bàn tán sôi nổi như tôi thường thấy. Có thể ai cũng tự hiểu rằng, quy luật của đồng tiền nó giống như một số không, hôm nay bạn kiếm được, ngày mai có lẽ bạn đã tiêu hết.
Quan niệm tích lũy, tiết kiệm như ông bà ngày xưa giờ không còn giá trị thực tế cho lớp trẻ như chúng tôi nữa, chúng tôi xài tiền nhiều hơn những gì chúng tôi tự kiếm được. Vậy tiền ở đâu ra nếu chúng tôi tiếp tục tiêu tiền như thế?
Cuộc sống càng ngày càng phát triển, con người tạo ra mọi thứ tốt đẹp hơn để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu cá nhân của những người khác, chi phí leo thang, giá cả tăng vùn vụt…thì thử hỏi tiền hôm nay tôi kiếm được có theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường hay không? Dĩ nhiên nó là con số âm rồi.
Vậy chuyện gì đang xảy ra trong xã hội của chúng ta? Ai tạo ra tiền và ai là người tiêu tiền? Khoảng cách kẻ giàu người nghèo có nhỏ lại hơn 5 hoặc 10 năm trước không? Sản phẩm xa xỉ, xa hoa có bán được nhiều hơn so với 5 năm trước không?
Tuần trước hai người đối tác của tôi từ Singapore sang TP HCM để cùng bàn bạc công việc kinh doanh. Họ cũng phải ngỡ ngàng và thốt lên rằng chi phí ăn uống đi lại của Sài Gòn thậm chí không thấp hơn so với thành phố giàu có bậc nhất hành tinh Singapore là bao nhiêu?
Tôi phì cười, chế nhạo “ bạn tưởng Việt Nam nghèo lắm sao?” Thực ra đó là câu nói tự trào cho cái thành phố tôi đang sống chứ Sài Gòn mà giàu bằng ai? Mức thu nhập thì chưa đến 2.000 USD/người/năm thì sao gọi là giàu? So với người ta thì 20.000-50.000 USD đấy…
Nhưng mọi người dễ dàng cũng nhìn thấy thực tế rất hài hước đó là hầu như rất nhiều người Việt cũng dùng Iphone, Ipad, cũng đi xe hiệu đắt tiền, cũng ăn mặc đồ hiệu, cũng đi ăn uống nhà hàng sang trọng…vậy họ kiếm tiền từ đâu ra để tiêu như thế?
Một sự chia sẻ cho bạn tôi người Singapore về khía cạnh tài chính, chưa có cái hệ thống tài chính nào như hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam mình hết.. lãi suất cho vay thì cao đến gấp chục lần các nước, lạm phát hàng năm thì bằng hai con số.
Mọi người phải thốt lên rằng doanh nhân Việt Nam rất cừ, vì họ làm ăn rất giỏi, lãi suất và lạm phát như thế mà họ vẫn giàu có lên, vẫn vươn mình ra thế giới. Ví dụ một doanh nhân tiếng tăm xuất phát từ một ông nông dân gốc không được học hành đào tạo gì cả. Hóa ra ông này ổng thuộc dạng may mắn hay sao?
Trải qua bao nhiêu năm lăn lộn với sóng gió thương trường, tôi không biết mình có làm được gì có ích cho xã hội, cho con người hay không nữa. Vậy mà có lúc tôi vẫn tự cười hả hê khi thấy mình chưa bị đói, khi thấy mình chưa bị ra đường ngủ…
Bây giờ ngồi nghĩ về những gì cái kinh tế, cái xã hội đang giằng xé con người, đang tạo ra sức ép kinh khủng lên con người thì tôi thấy mình quá may mắn…Tôi thiết tha lắm một nền kinh tế tiên tiến mà ở đó, con người lao động chân chính và tạo ra tiền tài, của cải để chính những tài sản đó sẽ tạo ra cuộc sống an lành, sung túc cho họ.
Mai Trường Giang