Bởi lẽ, ông Giang và bà Thơm đã hành hạ, đánh đập cháu Hào Anh trong một thời gian dài, nó không xảy ra một lần duy nhất mà nó lặp đi lặp lại nhiều lần, gồm rất nhiều hành vi khác nhau ở những mức độ và hậu quả khác nhau.
Có hành vi đơn thuần chỉ là hành hạ nhưng cũng có những hành vi là cố ý gây thương tích. Ý thức phạm tội của ông Giang và bà Thơm cũng vậy, có lúc chỉ nhằm hành hạ (như chửi bới, đánh đập, bắt lao động cực khổ, không cho ăn…) nhưng có lúc là cố ý gây thương tích cho cháu Hào Anh (như bẻ răng, đổ nước sôi vào người, lấy kìm kẹp sứt môi…).
Căn cứ ý thức, hành vi phạm tội, mức độ, hậu quả gây ra thì rõ ràng những hành vi như bẻ răng, đổ nước sôi vào người cháu Hào Anh… không còn là hành hạ nữa mà nó là hành vi cố ý gây thương tích. Do vậy cần phải bóc tách hành vi của ông Giang và bà Thơm để truy tố về cả hai tội là cố ý gây thương tích và hành hạ người khác mới thỏa đáng, đúng người, đúng tội.
Đối với tội hành hạ người khác thì hành vi phạm tội có thể là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người lệ thuộc mình, gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài cho họ, như: thường xuyên đánh đập, giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục...
Tuy nhiên, điều luật không đòi hỏi việc hành hạ (có thể là đánh đập) phải gây thương tích do vậy chỉ cần có hành vi hành hạ như các hành vi nêu trên là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Cụ thể là nếu phạm tội trong trường hợp thông thường (khoản 1 Điều 110) thì có thể bị phạt tù đến 2 năm, nếu phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật hoặc đối với nhiều người (khoản 2) thì có thể bị phạt tù đến 3 năm.
Đối với tội cố ý gây thương tích thì điều luật đòi hỏi phải có thương tích từ 11% đến 30% hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự như “Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; có tổ chức…”.
Nếu thỏa mãn một trong các dấu hiệu này thì người phạm tội có thể bị phạt tù đến 3 năm (Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự). Nếu thương tích từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 1 Điều 104 nêu trên thì người phạm tội có thể bị phạt tù đến bảy năm (Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự).
Như vậy, dù tỷ lệ thương tích của cháu Hào Anh là bao nhiêu thì hành vi của ông Giang và bà Thơm vẫn đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, việc giám định tỷ lệ thương tích là rất cần thiết bởi căn cứ vào tỷ lệ thương tích này mà cơ quan pháp luật có cơ sở truy tố ông Giang và bà Thơm cho đúng khung khoản của điều luật.
Về lứa tuổi của cháu Hào Anh (mới 14 tuổi), xem xét cả hai điều luật trên thì thấy cả hai điều luật đều quy định tình tiết định khung tăng nặng, đó là: phạm tội đối với trẻ em. Do vậy, cần phải xem xét xử lý thêm về tình tiết này đối với ông Giang và bà Thơm để mức hình phạt tương xứng với hành vi, mức độ hậu quả mà họ đã gây ra cho cháu Hào Anh nói riêng cũng như đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
|
Bài viết cùng tác giả
> Dù không tìm ra nguyên nhân cháy, chủ tòa nhà vẫn phải bồi thường