Sự kiện xảy ra hỏa hoạn ở chung cư 18 tầng Lê Văn Lương, Hà Nội tối ngày 10/03/2010 là một điều đáng tiếc gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, gây hoang mang cho cộng đồng sinh sống ở những tòa nhà chung cư nhưng sự kiện này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
Có thể nói trong những năm gần đây tốc độ xây dựng nhà chung cư ở các thành phố lớn đã vượt quá khả năng quản lý nhà nước trong việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến nhà chung cư, đặc biệt liên quan đến phòng ngừa và giải quyết hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn gây ra.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị phòng cháy chữa cháy và đặc biệt ý thức của người dân cũng thay đổi quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra do vậy khi thiên tai, hỏa hoạn xảy ra thì hậu quả vô cùng ghê gớm mà đáng lẽ chúng ta có thể ngăn ngừa được.
Vụ việc cháy ở chung cư 18 tầng không phải là vụ cháy đầu tiên nhưng chắc chắn cũng không phải là vụ cháy cuối cùng. Điều này chúng ta không mong muốn nhưng nếu chúng ta không cương quyết khắc phục ngay những yếu kém còn tồn tại thì không ai dám đảm bảo rằng sẽ không còn những vụ cháy tương tự, sẽ không còn thiệt hại về người, về tài sản do hỏa hoạn gây ra đối với nhà chung cư nói riêng, đối với các công trình xây dựng nói chung.
Tôi cho rằng vụ việc có thể xem xét dưới hai góc độ: Hình sự và Dân sự. Dưới góc độ hình sự, theo những thông tin mà báo chí phản ánh thì nguyên nhân hỏa hoạn rất có thể xảy ra do một ai đó vô ý vứt rác (đang còn cháy) vào khu đổ rác của tòa nhà.
Tuy nhiên theo tôi đánh giá thì hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động của tòa nhà không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả nên đã không dập tắt được đám cháy. Vụ việc có dấu hiệu hình sự về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy” gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy từ đó quy kết trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Dưới góc độ dân sự, cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc gây ra hậu quả thuộc về tổ chức, cá nhân nào để buộc chủ thể đó phải bồi thường thiệt hại đó cho các nạn nhân. Theo tôi, có 3 chủ thể có thể bị xem xét trách nhiệm bồi thường, đó là: Đơn vị chủ tòa nhà, Ban quản lý tòa nhà và cá nhân gây ra hỏa hoạn.
Đối với chủ tòa nhà, theo quy định tại điểm 4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật phòng cháy, chữa cháy thì nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải có thiết kế và thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng, do vậy có thể tòa nhà chung cư 18 tầng khi thiết kế, thi công đáp ứng được các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy nhưng trong quá trình sử dụng các thiết bị này xuống cấp, hư hỏng hoặc có nhưng vận hành không được như họng cứu hỏa không có nước… mà không khắc phục dẫn đến khi có sự cố hệ thống không phát huy tác dụng.
Tuy nhiên để xem xét trách nhiệm bồi thường của chủ tòa nhà lại cần phải xem xét Hợp đồng mua bán nhà chung cư giữa chủ tòa nhà và người mua nhà quy định về vấn đề này như thế nào? Thực tế cho thấy, bên bán nhà cũng là bên soạn hợp đồng nên họ thường bỏ qua những điều khoản này dẫn đến khi có tranh chấp thì rất khó giải quyết. Ngay chính mẫu Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 01/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 25/2/2009 cũng không hề đề cập đến vấn đề này.
Đối với Ban quản lý tòa nhà (kể cả trường hợp đơn vị này trực thuộc chủ tòa nhà) sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm các quy định trong quá trình quản lý như không thường xuyên kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống cứu hỏa, không kiến nghị ngay với đơn vị chủ quản trong việc sửa chữa, thay thế thiết bị cũng như không thông báo các trở ngại khác dẫn đến hệ thống cứu hỏa hoạt động không hiệu quả.
Trong trường hợp Ban quản lý đã thông báo nhưng chủ tòa nhà không khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhưng Ban quản lý tòa nhà cũng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để can thiệp, khắc phục ngay thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra.
Đối với cá nhân gây cháy, nếu điều tra, xác minh có đủ chứng cứ thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên đơn vị chủ tòa nhà cũng phải liên đới trong việc bồi thường thiệt hại vì hệ thống chữa cháy không phát huy hiệu quả như tôi đã nói ở phần trên. Kể cả trường hợp không điều tra được ai là người gây cháy thì đơn vị chủ tòa nhà vẫn phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm và mức độ bồi thường đến đâu sẽ do Tòa án xem xét.
Như vậy, việc điều tra nguyên nhân là hết sức quan trọng để từ đó có cơ sở giải quyết vụ việc.
Trước sự việc nêu trên, tôi cho rằng cần làm ngay một số việc sau: Thứ nhất, hoàn thiện ngay hệ thống pháp luật quy định về nhà chung cư bởi theo tôi hệ thống văn bản hiện nay mới chỉ tập trung điều chỉnh các vấn đề có yếu tố thương mại còn các quy định liên quan đến thiên tai, hỏa hoạn thì mặc dù đã có nhưng dường như chưa phát huy được tác dụng khi có sự kiện xảy ra.
Thứ hai, người dân Việt Nam mới sinh sống trong các chung cư cao tầng được vài năm trở lại đây nên ý thức và hiểu biết về phòng cháy chữa cháy chưa cao, do vậy cần tích cực phổ biến, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn. Việc diễn tập phòng cháy chữa cháy để nâng cao ý thức người dân là rất cần thiết nhưng số lần diễn tập ở các khu chung cư cao tầng là quá ít.
Thứ ba, cần đầu tư, trang thiết bị hiện đại cho lực lượng phòng cháy chữa cháy để có thể phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ví dụ rất rõ trong vụ việc trên là xe cứu hỏa chỉ có thể vươn tới tầng 17 trong khi tòa nhà cao 18 tầng.
Thứ tư, cần nêu cao trách nhiệm của chủ đầu tư đối với cộng đồng thay vì chỉ chú tâm vào kinh doanh như hiện nay vì thực tế cho thấy đã có rất nhiều tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đã được quy định rõ ràng nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện. Cũng cần quy định chế tài phạt thật nặng đối với những chủ đầu tư nào cố tình coi thường các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Luật sư Vũ Tiến Vinh là Giám đốc Công ty luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội, từng tham gia nhiều vụ án lớn và thường đưa ra quan điểm pháp lý trước những vấn đề, sự kiện đòi hỏi có cách nhìn nhận sâu sắc và thực tiễn. Hiện, ông là một trong 50 luật sư giỏi của Việt Nam tham gia Tổ công tác của Văn phòng Chính phủ trong việc thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. |