Tại Singapore, một trong những hình phạt được áp dụng rộng rãi để làm giảm bớt tình trạng phạm tội là áp dụng xử phạt bằng đòn roi. Những vụ xử phạt này diễn ra nơi công cộng để vừa đảm bảo tính nghiêm minh vừa có tác dụng răn đe để những tội phạm "vặt" thấy nhục nhã mà bỏ "nghề".
Cách xử này cũng đảm bảo cho kẻ phạm tội không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Một phạm nhân đang chịu hình phạt roi. Nguồn: Internet
Cây roi để đánh tội phạm có chiều dài khoảng 1,2 m và dày khoảng 1,27 cm, được ngâm nước và ngâm chất khử trùng trước khi sử dụng để tránh nhiễm trùng bởi trong đa số các trường hợp, việc đánh bằng roi sẽ gây chảy máu.
Một miếng đệm bằng cao su sẽ được lót quanh từ thắt lưng trở xuống để tránh tổn thương đến thận và cột sống.
Làm sao để xử tội trộm vặt hiệu quả khi pháp luật còn "bó tay", còn người dân nhiều nơi đánh người ăn trộm chó, gà đến chết? Nhiều bạn đọc VnExpress.net cho rằng cần phạt nặng bằng cách đánh roi nơi công cộng như luật của Singapore, Malaysia...
Xoay quanh những tranh cãi về việc ở Việt Nam có tình trạng hàng trăm người dân đánh hội đồng kẻ trộm đến mức nguy kịch, nhiều vụ đánh đến chết, rất nhiều độc giả VnExpress.net cho rằng đó là điều không thể chấp nhận được và đã vi phạm pháp luật..
Kẻ trộm khi bị bắt quả tang, nhưng chưa được xét xử thì vẫn chưa được xem là tội phạm. Đã có những vụ việc đánh lầm người đến bị thương tích chỉ vì tưởng là kẻ trộm.
Song song đó, một luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc đánh kẻ trộm là cần thiết, bởi nó là một hình thức cảnh cáo, khiến những kẻ có ý trộm cắp phải “sợ mà xin chừa.”
Nhưng tại sao người dân lại mượn sức mạnh của đám đông, tự ý dùng bạo lực để gây thương tích thậm chí tử vong một cá nhân mà không đợi sự xét xử của pháp luật? Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng pháp luật của nước ta với loại tội phạm này còn chưa hữu hiệu, chưa có tính răn đe.
Pháp luật được đặt ra với mục đích trước hết là phòng ngừa chứ không phải để trừng phạt, và người dân mong mỏi pháp luật Việt Nam đủ mạnh để ngăn ngừa tình trạng trộm cắp vặt đang diễn ra nhức nhối khắp cả nước.
Độc giả Tô Văn Trường cho biết: "Luật pháp cần phải thay đổi cứng rắn hơn để xã hội không còn hành vi trộm cắp nữa. Chẳng hạn chúng ta thấy Singapore, Malaysia họ xử phạt ăn trộm vặt là rất nghiêm minh (dù chỉ xử phạt bằng đánh roi thôi nhưng mà đánh roi thích đáng lắm) cho nên đất nước họ không có chuyện ăn trộm vặt (nhiều vô kể) như ở Việt Nam".
"Tôi không ủng hộ việc cả làng 'hành hạ" kẻ cắp vặt. Tuy nhiên luật pháp cần thay đổi theo hướng cứng rắn hơn. Nên chăng học cách xử lý của Singapore? Bắt được là bị xử đánh công khai, theo luật rõ ràng và có sự chứng kiến của người dân. Như vậy tính răn đe sẽ cao hơn là chỉ phạt hành chính" - độc giả Kỳ Đặng góp ý.
Điều 325 đến 332 của Bộ luật tố tụng hình sự Singapore quy định:
Phạm nhân nam ở độ tuổi từ 18 đến 50, được chứng nhận y tế có sức khỏe bình thường sẽ phải chịu tối đa 24 roi một lần, không phụ thuộc vào tổng số hành vi phạm tội.
Nếu người phạm tội dưới 18 tuổi, sẽ chịu phạt tối đa 10 roi một lần, nhưng trong trường hợp này, cây roi được sử dụng và lực đánh sẽ được giảm nhẹ.
Luật phạt roi này không áp dụng cho phụ nữ, nam giới trên 50 tuổi, người đã bị kết án tử hình hoặc không được chứng nhận sức khỏe bình thường.
Đa phần người Singapore đều công nhận hình phạt này đã giúp ngăn ngừa tình trạng tội phạm một cách có hiệu quả.
Vũ Vy
Chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh của bạn về đời sống xã hội tại đây.