Tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH).
Dưới đây là ý kiến của chúng tôi về các vấn đề đó:
Vấn đề hàng đầu của GDĐH hiện nay là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, theo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011, nước ta vẫn phấn đấu theo hướng tăng quy mô đào tạo với chỉ tiêu cả nước có 573 trường ĐH, CĐ; bình quân 400 SV/1 vạn dân vào năm 2020.
Trong khi đó, dự thảo Luật GDĐH chưa xác lập được các quy phạm pháp luật hữu hiệu điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể là:
Chưa khuyến khích mở trường vùng chậm phát triển
Thực tế thành lập và hoạt động của các trường ĐH ngoài công lập thời gian qua cho thấy hầu hết các trường chỉ mở những ngành ít đòi hỏi vốn và trang thiết bị; nhiều trường ban đầu đăng ký thành lập và hoạt động ở một số tỉnh chưa có trường ĐH nhưng sau một thời gian ngắn không tuyển được sinh viên lại chuyển về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đô thị đang có rất nhiều trường.
Dự thảo Luật chưa có quy định để điều chỉnh những trường hợp này; cũng chưa quy định các điều kiện ưu đãi để khuyến khích mở trường ở vùng chậm phát triển và mở các ngành công nghệ là những ngành mà đất nước đang rất cần.
Cần quy định cụ thể về kiểm định chất lượng đào tạo
Dự thảo Luật dành một chương với 5 điều quy định về “Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH”, nhưng hầu hết các quy định đều không cụ thể, đồng thời rất nhiều nội dung thiết yếu để tiến hành hoạt động kiểm định chất lượng lại chưa được quy định.
Ví dụ: thẩm quyền thành lập tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo, xử lý kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, thừa nhận kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, giải quyết tranh chấp về kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, xử lý vi phạm pháp luật về kiểm định chất lượng đào tạo v.v…
Tuy kiểm định chất lượng là lĩnh vực nước ta chưa có kinh nghiệm nhưng chúng ta vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để quy định một cách cụ thể hơn.
Trong trường hợp dự thảo Luật trao toàn quyền cho cơ sở GDĐH quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, tự chủ về chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, in và cấp phát văn bằng thì việc quy định cụ thể về kiểm định chất lượng là điều kiện hết sức quan trọng để đảm bảo chất lượng GDĐH.
Không cứng nhắc với giáo dục thường xuyên (đào tạo tại chức)
Luật GDĐH cần thể hiện quan niệm mới hơn về giáo dục thường xuyên (GDTX) và dành cho loại hình giáo dục này ít nhất một chương, trong đó có những quy định về chương trình, tuyển sinh, phương thức đào tạo, kiểm tra, cấp bằng,…
Không nên quan niệm cứng nhắc GDTX phải tổ chức thành những lớp học riêng, học phải lấy bằng, mà cần quan niệm là tùy nhu cầu, điều kiện của mình và khả năng tiếp nhận của cơ sở giáo dục, người học có thể học toàn bộ chương trình để lấy bằng hoặc học bất kỳ một học phần nào để nâng cao hiểu biết và kỹ năng, phục vụ cho công việc của mình; có thể theo học cùng sinh viên chính quy hoặc học lớp riêng.
Để đảm bảo GDTX có mặt bằng ngang với mặt bằng đào tạo chính quy, những người có nguyện vọng học lấy bằng hay tín chỉ cần thi học phần, thi tốt nghiệp chung với sinh viên chính quy.
Chưa rõ mô hình GDĐH vì mục đích lợi nhuận
Khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật GDĐH giải thích: “Cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.”
Theo quy định tại Điều 16 thì trường tư thục thành lập hội đồng quản trị - tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường.
Hội đồng quản trị có nhiệm vụ “tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông” - cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất về đường lối phát triển của nhà trường theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011.
Thành viên hội đồng quản trị bao gồm: “a) Đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định; b) Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên.”
Chấp nhận chia lợi tức và dành thẩm quyền cao nhất cho các cổ đông như quy định tại dự thảo Luật GDĐH và Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục không khác gì nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công ty cổ phần.
Chính vì vậy mà có nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Trên thực tế, có thể nói 100% ĐH tư thục ở Việt Nam là vì lợi nhuận” [1]. Cũng theo nhà nghiên cứu này, “các trường ĐH tư thục vì lợi nhuận thường xuất hiện ở những lĩnh vực đào tạo có lợi nhuận, tránh đầu tư lớn và dài hạn […]
Những hạn chế do phải thỏa mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các ĐH tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được những chức năng giáo dục thường có của một trường ĐH công lập.
Những hạn chế đó thường là thương mại hóa giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp, nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo.”[2]
Nguyên tắc hoạt động vì mục đích lợi nhuận cũng giải thích vì sao ở nhiều trường ĐH ngoài công lập nước ta phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài. Những trường ĐH như vậy rất khó để phát triển.
Đáng tiếc là dự thảo Luật GDĐH đang duy trì tình trạng không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận/không vì lợi nhuận và kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh giáo dục.
Chưa gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và với đơn vị sử dụng lao động
Khoản 4, Điều 11 Dự thảo Luật GDĐH quy định chính sách của Nhà nước “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết các chính sách được quy định tại Điều 11, chính sách gắn đào tạo với việc sử dụng lao động không được triển khai cụ thể ở bất kỳ điều khoản nào trong dự thảo Luật. Còn hoạt động khoa học và công nghệ tuy được dành hẳn một chương với 4 điều nhưng các quy định đều chung chung.
Điều mong đợi nhất là chính sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở GDĐH thì giao các Bộ quy định (Điều 44). Hàng chục năm qua, chính sách này đã được giao các Bộ nghiên cứu xây dựng nhưng chưa thành công.
Đến lúc này, Luật vẫn không đưa ra được quy định cụ thể mà giao các Bộ tiếp tục nghiên cứu thì giải pháp gắn bó đào tạo với nghiên cứu khoa học lại tiếp tục được xếp vào hồ sơ lưu, chờ thêm nhiều năm nữa hoặc nhiều chục năm nữa mới được giải quyết.
Hệ thống GDĐH bất hợp lý
Theo Điều 7, cơ sở GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: a) trường cao đẳng; b) trường đại học, học viện; c) đại học, đại học quốc gia.
Sự phân loại này không lôgic vì nó vừa căn cứ vào trình độ đào tạo mà cơ sở GDĐH đảm nhiệm (cao đẳng/ĐH và sau ĐH), vừa căn cứ vào mô hình tổ chức (ĐH 1 cấp/ĐH 2 cấp) và vị thế trong hệ thống (trường ĐH/ĐH/ĐH quốc gia).
Lẽ ra, việc soạn thảo và ban hành Luật GDĐH là cơ hội để khắc phục tình trạng lộn xộn của hệ thống GDĐH nhưng Dự thảo Luật chỉ nhắc lại những cái tên rất thiếu rõ ràng và thiếu tính hệ thống đang có trong thực tế.
Dự thảo Luật không có khoản nào giải thích trường đại học khác học viện, học viện khác viện đại học như thế nào.
Cách dùng danh từ đại học vốn chỉ một bậc học (một trình độ đào tạo) làm tên gọi một loại cơ sở GDĐH (đại học, đại học quốc gia) ngay từ đầu đã bị nhiều người phản đối vì sai tiếng Việt nhưng đến nay vẫn được giữ chỉ vì đã quen dùng.
Sự phân loại cơ sở GDĐH ở Điều 7 còn thể hiện một hệ thống bất hợp lý và siêu hình, không phù hợp với thực tế GDĐH ở nước ta hiện nay cũng như khả năng phát triển của nó trong tương lai.
Theo sự phân loại này thì những trường ĐH trọng điểm như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội cũng được xếp vào loại b, trong khi vị trí, uy tín và năng lực của họ không hề thấp hơn so với các cơ sở loại c và chắc là Luật cũng không thể hạn chế quyền tự chủ của họ.
Khoản 3 Điều 12 quy định trường ĐH tư thục có cơ cấu tổ chức như một trường ĐH được quy định tại khoản 1, tức là đại học 1 cấp. Quy định này không tính đến triển vọng một số cơ sở GDĐH tư thục trở thành ĐH 2 cấp, mà đây là một quyền không ai bác bỏ được của cơ sở.
Ví dụ, theo chúng tôi được biết Đại học Bình Dương đã thành lập trường ĐH thành viên đầu tiên của mình dưới tên gọi “phân hiệu”. Ở các nước phát triển, chúng ta cũng thấy hàng loạt ĐH tư thục được tổ chức theo mô hình 2 cấp.
Theo chúng tôi, tốt nhất là Luật GDĐH nên xác định tiêu chí xếp hạng cơ sở GDĐH gắn với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, làm cơ sở xác định mức đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước (đối với trường công lập) và việc giao đề tài nghiên cứu khoa học (đối với cả trường công lập và ngoài công lập).
[1] Phạm Duy Nghĩa. Đa dạng hoá loại hình đại học - một số góp ý xây dựng Luật GDĐH. – Nghiên cứu lập pháp, số 6 (214)/2012, tr. 29.
[2] Như trên.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
>>Xem tiếp: Lỗi kỹ thuật trong dự thảo Luật Giáo dục đại học