Giải thích từ ngữ (Điều 4)
Nhiều thuật ngữ được giải thích tại Điều 4 như giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, liên thông trong giáo dục đại học không chính xác, cần được chỉnh sửa. Ví dụ:
"1. Giáo dục chính quy là hình thức đào tạo theo các khóa học tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở GDĐH để thực hiện chương trình đào tạo một trình độ của GDĐH.” Theo định nghĩa này thì toàn bộ các khóa đào tạo có thời gian thực tập ngoài khuôn viên nhà trường (như ở trường y, trường sư phạm) không phải là giáo dục chính quy."
3. Ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định.” Giải thích ngành đào tạo như tại khoản này thì cần phải hiểu các thuật ngữ mở ngành đào tạo, chấm dứt hoạt động của ngành đào tạo quy định tại Điều 31 như thế nào?
Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có cụm từ ngành đào tạo nhưng có từ ngành và từ này được giải nghĩa là “lĩnh vực hoạt động về chuyên môn, khoa học, văn hóa, kinh tế”.
Thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, … đối với cơ sở giáo dục đại học (Điều 25)
Khoản 3 quy định: “Người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học thì có thẩm quyền quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học.” Đối với cơ sở GDĐH ngoài công lập, quy định này không áp dụng được.
Thời gian đào tạo (Điều 33)
Khoản 2 quy định: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.” Theo chúng tôi, Luật nên quy định rõ người có thẩm quyền này là hiệu trưởng, vì có thể có cách diễn giải chủ tịch Hội đồng trường, Hội đồng quản trị mới là người đứng đầu cơ sở GDĐH.
Về câu chữ
Cách trình bày tại điểm đ khoản 1 Điều 34 dễ bị suy diễn sai, không có lợi cho quan hệ quốc tế và công tác tôn giáo: “Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình và an ninh thế giới.”
Không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong trường học là quy định chung đối với tất cả các cơ sở GD, không riêng cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài và cũng không phải quy định riêng của nước ta.
Nhưng đặt vào giữa các nội dung cấm khác ở điều này, quy định “không truyền bá tôn giáo” gây ấn tượng truyền bá tôn giáo là một điều xấu, giống như gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng v.v…
Theo chúng tôi, toàn bộ các yêu cầu nêu tại điểm đ khoản 1 này là quy định chung cho chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở GDĐH, chứ không riêng gì cơ sở GDĐH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù coi là quy định chung hay quy định riêng cho cơ sở GDĐH nước ngoài cũng nên tách nội dung “không truyền bá tôn giáo và thực hiện các nghi lễ tôn giáo” thành một khoản riêng.
Nói tóm lại, dự thảo Luật GDĐH trình Quốc hội lần này chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của GDĐH và còn khá nhiều lỗi kỹ thuật.
Theo ý chúng tôi, Quốc hội nên dành thêm thời gian bàn kỹ về những chính sách lớn, giao các cơ quan hữu quan thể hiện lại để kỳ họp cuối năm xem xét, bởi vì có thông qua dự thảo như hiện nay thì Luật cũng khó có thể có tác dụng đối với sự phát triển GDĐH .
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết