Ngày 29/2/2012, vàng thế giới lao dốc (từ 1.790 USD/ounce giảm xuống còn 1.686 USD/ounce). Tuy nhiên, những ngày sau đó, những doanh nghiệp vàng lớn lại kéo giãn thêm chênh lệch giá, khiến giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới từ 3 đến 4 triệu/lượng. Dân đổ xô đi mua vàng vì lời đồn thổi vàng thế giới sẽ vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Ngày 24/3/2012, tôi có viết trên VnExpress bài "Có nên mua vàng vào lúc này?” trong đó, tôi có dự báo là giá vàng sẽ giảm mạnh và khuyên nhà đầu tư nên tránh rủi ro. Sau đó, đúng là giá tiếp tục giảm và những người mua vàng bị lỗ nặng khi bán vàng lại. Hiện nay, hiện tượng kéo giãn chênh lệch giá lại tái hiện, nên có nhiều người hỏi tôi: "Nên hay không mua vàng vào lúc này?”.
Các tỷ phú thiên tài đầu tư thoái vốn vàng
Trong khi các tỷ phú thiên tài đầu tư như Georges Soros đã thoái 50% vốn khỏi vàng (tương đương 100 triệu USD), Bacon đã rút toàn bộ vốn khỏi vàng, các quỹ tín thác đầu tư vàng thế giới (ETF’s) từ đầu năm đến nay đã bán ra 141 tấn vàng- trong đó SPDR bán 92 tấn (nguồn: Ngân hàng Barclays), thì một số ngân hàng Trung ương các nước lại mua vàng vào cho dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, hành động của các tỷ phú thiên tài đầu tư cũng đã xói mòn niềm tin vào vàng của các nhà đầu tư trên thế giới. Đến nỗi, rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ: Có lẽ năm 2012 đã kết thúc 12 năm tăng giá của vàng?
Vàng đang di chuyển trong kênh giảm giá
![]() |
Vàng sẽ bắt đầu một chu kỳ giảm giá, sau 12 năm tăng giá liên tục. |
Ngày 5/10/2012, vàng bắt đầu đợt giảm giá và 4/1/2013, một kênh giảm giá rõ rệt được hình thành. Ngày 20/2/2013, giá vàng đã phá đường hỗ trợ (biên dưới của kênh) và giảm sâu xuống 1553,41 USD/ounce. Nhưng sau đó 3 ngày, giá đã chạy vào kênh giảm trở lại. Nếu giá giảm qua khỏi 1.553,41 một lần nữa, giá sẽ giảm sâu. Và nếu đóng cửa dưới giá 1.522 USD/ounce, vàng sẽ bắt đầu chu kỳ giảm giá, sau 12 năm tăng giá liên tục.
Giá vàng Việt Nam quá cao so với giá thế giới sẽ khuyến khích nhập lậu vàng và đưa đến tình trạng vàng dỏm.
Không có một chuyên gia kinh tế - tài chính nào có thể tin rằng khi giá vàng Việt Nam quá cao so với giá thế giới mà không có tình trạng nhập lậu vàng. Vừa qua, các cơ quan quản lý Việt Nam cho rằng “có tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới”. Xăng dầu là mặt hàng cồng kềnh, lợi nhuận thấp hơn vàng trăm, ngàn lần. Vậy làm sao không có chuyện buôn lậu vàng qua biên giới?
Nguy hiểm nhất là “vàng Vonfram” (vàng dỏm) được phát hiện đã nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc từ tháng 7/2012. Mà “vàng Vonfram” thì được rao bán công khai tại Trung Quốc. “Vàng Vonfram” có khối lượng riêng 19,25g/cm3 rất gần bằng vàng (19,30g/cm3) và một số đặc tính cơ lý rất giống vàng nên không thể phát hiện bằng cách cân tỷ trọng hay máy quang phổ.
Khuyến nghị:
- Giá vàng thế giới đã giảm mạnh và đang tiếp tục giảm. Xu hướng thế giới cũng đang thoái vốn vàng.
- Chênh lệch giữa giá vàng nội và thế giới vênh nhau quá cao.
- Rủi ro mua phải “vàng Vonfram” hoặc “vàng nhái SJC”, vàng kém chất lượng.
Do đó, cá nhân tôi cho rằng không nên mua vàng vào lúc này.
Ngân hàng Nhà Nước chỉ nên giữ vai trò dự trữ quốc gia và theo dõi can thiệp thị trường khi cần thiết, không nên độc quyền mua bán vàng. Không tổ chức đấu thầu vàng. Không cấp quota cho các doanh nghiệp nhập hay xuất vàng, vì rủi ro thua lỗ rất cao trên thị trường tài chính quốc tế.
>>Xem thêm: Bất động sản đang 'chôn sống' tiền, vàng của người Việt
ThS Lê Tấn Lam Anh
Chia sẻ bài viết của bạn về thị trường vàng tại đây.