Kể từ 29/2/2012, vàng thế giới lao dốc ( từ 1790 USD/ounce giảm xuống còn 1686 USD/ounce ). Những ngày sau, vàng tiếp tục giảm và tạo đáy tạm thời tại 1634 (14/3).Tuy nhiên, các DN vàng vẫn giữ giá, khiến giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới (TG) quy đổi trên 3 triệu đồng/ lượng.
Tình hình giá vàng thế giới
Những báo cáo gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy tình hình kinh tế Mỹ càng ngày càng sáng sủa và có thể chưa cần thiết tung ra gói kích thích QER 3. Do đó, các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư lớn liên tục thoái vốn vàng. Như quỹ đầu tư SPDR bán 3 tấn vàng vào ngày 20/3 và 7,56 tấn vào ngày 22/3.
Các nhà phân tích danh tiếng trên thế giới cũng cho rằng vàng đã bắt đầu đến lúc phải giảm sâu. Vậy mà một vị lãnh đạo của một doanh nghiệp vàng lớn đã phát biểu là vàng sẽ lên giá 2.000 USD/ounce.
![]() |
Theo lý thuyết sóng Elliot, thị trường vàng hiện nay đang nằm ở đợt sóng nhỏ 1 của sóng C. |
Theo lý thuyết sóng Elliot, thì giá vàng bắt đầu kéo sóng C từ khi rớt từ giá 1763USD/ ounce xuống.
Sóng C là sóng giảm mạnh của bộ sóng Elliot. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng đang nằm ở sóng 1 nhỏ của sóng C. Một sự phục hồi nhẹ có thể diễn ra ở sóng 2 nhỏ của sóng C, tuy không đáng kể nhưng cũng làm cho mọi người lầm tưởng là vàng lên giá trở lại. Và sóng 3 nhỏ của sóng C sẽ đưa giá vàng rớt thê thảm.
Kịch bản cũ rích
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước neo tỷ giá VNĐ vào USD và nhập vàng bằng USD. Khi vàng thế giới bắt đầu xuống mạnh, không ai muốn mua SJC, nhưng các doanh nghiệp vàng lớn vẫn giữ giá không cho xuống nhiều. Đồng thời, các ngân hàng huy động vàng có kỳ hạn để khi thị trường đẩy giá lên, dân không có vàng để bán.
Những năm trước, họ còn mang vàng huy động thế chấp Ngân hàng Nhà nước để vay USD và VNĐ. Sau đó, họ dùng VNĐ để mua USD trên thị trường. Lúc này, USD tăng giá, mà Ngân hàng Nhà nước cũng không còn đủ USD để can thiệp thị trường.
Khi USD tăng giá, họ có đủ điều kiện để ép Ngân hàng Nhà nước phải cho tăng giá vàng và cấp quota nhập vàng. Thường họ ép giá vàng tăng ở sóng 2 nhỏ của sóng A hoặc sóng 2 nhỏ của sóng C.
Ở giai đoạn này, người ta thường hay lầm tưởng là vàng sẽ lên lại nên chen chúc đi mua vàng. Vài hôm sau, vàng TG giảm mạnh, dân bán vàng lại lỗ nặng ( kịch bản ngày 16/9/2011 ), còn họ dùng quota để nhập vàng TG giá rẻ.
Có nên mua vàng vào lúc này không?
Sóng A và C là giai đoạn giảm mạnh của thị trường. Nếu có phục hồi, chỉ có 30-40 USD, sau đó, rớt mạnh. Còn mức giảm thì từ 300-500 USD (Sóng A vừa rồi giảm từ 1911 xuống 1532 USD/ounce ). Nếu giá vàng trong nước mà cao hơn giá thế giới khoảng 800 ngàn đồng/lượng ( khoảng gần 40 USD ), thì đã cầm chắc phần thua rồi, huống chi là 3- 4 triệu.
Bán vàng giao phiếu làm lũng đoạn thị trường. Người mua nhận hết rủi ro. Từ 16/9, khi công ty BTMC bán vàng giao phiếu, đã dấy lên tin đồn VN đã xuất hết vàng rồi, nên họ tha hồ đẩy giá. Và người mua đội mưa, xếp hàng, chờ giao tiền lấy phiếu. Một kiểu bán vàng kỳ lạ nhất thế giới! Và đầy rủi ro.
Tại sao Ngân hàng Nhà nước không lên tiếng? Như vậy làm sao xóa vàng hóa được? Đây là một kịch bản tuy cũ rích nhưng đưa Ngân hàng Nhà nước vào thế bị động và gây ra lạm phát.
ThS Lê Tấn Lam Anh