Làng tôi cách tháp Rùa khoảng 20 km tính theo đường “chim bay”. Còn theo đường “chim đi xe máy” thì vòng vèo lắm mới đến ba mươi cây số. Nhưng nếu tính về nhận thức (cũng như thực trạng đời sống) của người dân trong vấn đề bình đẳng giới thì có lẽ làng tôi phải cách Hà Nội xa lắm, hàng trăm năm là ít.
Khi hai đứa cháu 3 tuổi tranh nhau cái ti vi, ông giành phần thắng cho thằng “đít nhôm”. Còn đứa cháu gái đang mếu máo thì ông bảo: “Ối giời, con gái con đứa xem xét để làm gì, phải biết nhường nhịn chứ ?!”.
Khi con lớn lên, người mẹ chỉ chăm chút dạy dỗ con gái: “kẻo sau này về nhà chồng người ta khinh cho”. Còn con trai, ngay từ nhỏ đã có câu cửa miệng: “con giai cần gì phải lo, sau này cứ lấy vợ về là nó khắc làm hết”.
Khi con hư hỗn, dốt nát, người ta đổ lỗi: “tại mẹ nó không biết dạy”. Nếu con ngoan, học giỏi, thành đạt thì: “đấy, cái giống nhà tôi…”.
Khi con trai thi trượt đại học, bố mẹ cố kiết chạy sáu bảy chục triệu để vào một trường cao đẳng. Nhưng có cô bé thi đỗ hai trường đại học cũng như không. Bố bảo: “ra Hà Nội học hành tốn kém lắm, tiền tao đang định xây cái nhà ba tầng”. Mẹ bảo: “học xong thì 23 tuổi, về quê thì ế chồng mà ở Hà Nội thì tiền đâu mà chạy việc”. Cuối cùng cô bé được đi học một trường trung cấp của tỉnh, sáng đi chiều về, đạp xe bảy cây số mỗi lượt.
Khi hai vợ chồng lấy nhau 20 năm không có con, nguyên nhân tại chồng, họ vẫn bên nhau cho đến lúc xin một đứa cháu về nuôi. Nhưng có đôi khác, nguyên nhân tại vợ, chưa đầy 2 năm họ đã chia lìa trong hắt hủi, rẻ khinh người bạc phận.
Khi anh chồng kiếm được nhiều tiền, hai vợ chồng giận nhau, người ta bảo: “được chồng nuôi sướng thế còn không biết điều !”. Khi người vợ thu nhập gấp 10 lần chồng, dù bất cứ điều gì xảy ra, họ lại nói: “cậy nhiều tiền nên tinh tướng đây mà!”.
Khi người vợ sinh con một bề, anh chồng tự cho mình cái quyền được đi kiếm “thằng chống gậy”. Có anh còn ngang nhiên dắt cô tình nhân cùng cậu quý tử về nhà, đuổi sáu mẹ con “vịt giời” xuống gian trái bếp rồi ra tòa li dị để còn đăng ký kết hôn với người đàn bà “biết đẻ”. Người vợ cả ngậm ngùi chấp nhận “số mình hẩm hiu” còn dân làng xôn xao: “ai bảo đẻ toàn con gái”, rồi: “may quá, thế là có thằng cu rồi. Đáng nhẽ lấy vợ hai sớm hơn thì có phải hay không ?”.
Khi người vợ bị bạo hành, chồng đánh tới chết ngất rồi bỏ mặc ngoài mưa gió, giá rét mùa đông. Hàng xóm đưa đi cấp cứu rồi thông báo cho hai bên gia đình. Bên nội bảo: “thằng chồng nóng nảy một chút, lần sau rút kinh nghiệm”. Bên ngoại nói: “nó đi lấy chồng rồi, không còn là người nhà mình nữa. Xía mũi vào người ta chửi cho”. Nguyên nhân đánh nhau: Vợ cứng đầu, bảo không nghe. Hôm ấy, chồng đi tụ tập tổ tôm về thấy vợ chưa nấu cơm. Trời tối nhá nhem rồi mà gọi nửa tiếng không về, còn dám cãi lại: “không làm cố cho xong, nhỡ mai mưa thì nát hết cây chứ còn gì. Tí nữa tôi mới về, anh nấu bữa cơm thì đã sao !”. Chỉ có vậy.
Khi người vợ dậy từ 3 giờ sáng, chở hơn hai tạ rau đi ba mươi cây số ra Hà Nội. Bán xong, trở về là 10 giờ. Trời rét căm căm, thấy đứa con gái 2 tuổi cởi truồng tím tái, nước mũi chảy ròng ròng. Thì ra con đã ị xong từ bao giờ mà bố không rửa đít, mặc quần cho vì nhà có khách: “chẳng lẽ để người ta thấy tôi rửa đít cho con à ?”. Xót con, bụng đói, người mệt, chị vừa khóc vừa nói anh “sĩ dởm, vô trách nhiệm”. Hậu quả là nhận được một trận đòn vì tội “láo toét, dám mắng chồng xơi xơi”. Người ta còn bảo: “cởi truồng chứ có gì to tát, cùng lắm là sổ mũi chứ chết làm sao được !”.
Khi người chồng có tình nhân về bỏ vợ thì không sao. Họ vẫn sống trong một làng tuy đường ai nấy đi. Nhưng có người vợ đơn phương ly dị anh chồng vũ phu thì chị phải bế con bỏ đi biệt xứ. Bởi anh ta đe dọa nếu tìm thấy sẽ: “giết chết hai mẹ con ngay lập tức”. Sợ anh ta làm liều liên lụy đến cha mẹ, anh em, suốt sáu năm nay chỉ có người nhà đi thăm mẹ con chị rồi giấu biệt địa chỉ, còn chị vẫn chưa dám về làng. Thi thoảng nhìn thấy ai giông giống anh chồng cũ, thậm chí chỉ nghe cái tên thôi, chị vẫn tái mặt sợ hãi nơm nớp.
Ngày 8/3, Hà Nội hoa rực rỡ, giá cả cũng ngất trời. Một bó lan từ ba trăm ngàn trở lên, bằng cả mấy luống rau chăm chút sớm hôm. Khoảng cách đâu có xa mà cuộc sống như khác biệt hàng thế kỷ. Làng tôi không bán hoa ngày 8/3. Người làng dùng lịch âm là phổ biến. Cứ khi nào chợ làng bán hoa tươi, ta hiểu rằng hôm đó ngày Rằm hoặc Mồng Một. Anh chồng nào mua hoa hoặc có quà tặng vợ hôm nay đảm bảo là một sự kiện động trời, còn hơn cả ở Chilê và Haiti động đất.
Không biết còn bao nhiêu thôn quê khác cũng giống làng tôi. Không biết còn bao nhiêu chị em khác cũng khổ cực như phụ nữ quê tôi ? Giá như chị em đừng tự trói buộc mình vào những quan niệm cổ hủ để làm khổ lẫn nhau. Giá như các bà mẹ dạy con trai cũng như con gái, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết làm mọi việc trong nhà không phân biệt giới tính. Để cho thế hệ sau được hạnh phúc hơn.
Tôi không lớn lên ở làng nhưng thường xuyên về thăm họ hàng thân thiết. Nơi đó là quê hương mà mùi khói rơm khói rạ đã in sâu vào trái tim tôi từ những ngày lên mấy. Nhân ngày mồng 8 tháng 3 tôi chỉ mong sao những người phụ nữ quê tôi cũng như chị em ở các vùng nông thôn khác được thoát khỏi nỗi nhọc nhằn, tủi nhục do những tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ. Hi vọng rằng con đường quốc lộ mới mở chạy qua làng tôi sẽ khiến cho Long Mạch làng có nhiều thay đổi. Để các chợ làng sẽ bán hoa ngày 8/3…
Xuyến Chi VD (Công ty QC BĐS nhadatvideo.vn)
Bài viết cùng tác giả:
> Choáng vì tăng giá sau Tết
> Đi lễ đầu năm lắm chuyện oái oăm
> Tôi nghỉ dạy học để đi buôn