Trong bài ‘Những người không dám về ăn tết’, tôi thấy nhiều ý kiến đều bi quan, chán nản, than trách, thậm chí đổ lỗi cho Nhà nước không tạo ra công ăn việc làm.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ hay sỹ diện ảo, không bằng lòng với thực tế và thiếu cố gắng vươn lên. Nếu cố gắng, cần cù và chịu khó thì không bao giờ sợ thất nghiệp cả. Có cả ngàn công việc có thể làm để kiếm tiền, làm việc gì cũng được miễn sao có thể kiếm sống và lương thiện là được. Hãy bắt đầu từ những bật thang thấp nhất, chăm chỉ làm việc, học hỏi, cố gắng không ngừng tôi tin chắc chắn thành công sẽ đến
Tôi thuộc thế hệ 7X đời đầu. Sau khi đất nước mới giải phóng, cuộc sống lúc đó thật sự rất khó khăn với tất cả mọi người. Tôi còn nhớ, lúc nhỏ thường theo mẹ xếp hàng để xin phiếu lãnh gạo, đôi khi không có gạo ăn phải ăn bobo thường xuyên. Vì gia đình khó khăn nên tôi chỉ học được tới lớp 9 (không phải như các bạn tốt nghiệp trường này, trường kia) thì nghỉ học ở nhà phụ mẹ mang nhãn, chuối hoặc những con cua đồng bắt được ra chợ bán để lấy tiền mua gạo cho gia đình.
May mắn là năm 1992, gia đình tôi trúng được mùa nhãn, có dư chút đỉnh nên ba mẹ quyết định cho tôi lên thành phố học nghề. Vừa học nghề, tôi vừa làm thêm nhiều việc như phụ hồ, chạy xích lô, thậm chí ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền trang trải cho việc ăn học và ở tại thành phố. Buổi tối tôi tranh thủ học lớp bổ túc văn hóa và học thêm Anh văn để chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này.
Mặc dù rất khó khăn và vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, học hỏi không ngừng và cứ có dịp rảnh rỗi là tôi lập tức về quê thăm gia đình. Tôi về quê thăm ba mẹ rất nhiều lần, nhưng có sáu lần tôi nhớ rõ nhất là đi bằng xe đạp. Quê tôi cách thành phố khoảng 121km, trung bình tôi đạp xe khoảng 8 tiếng (cả về và trở lên thành phố hết 16 tiếng).
Đến nhà, chân tôi mỏi rã rời nhưng vẫn rất vui vì được gặp ba mẹ, người thân dù hôm sau chân, đùi tôi nổi đầy hạch. Cứ mỗi lần về thăm gia đình, được trò chuyện với ba mẹ và thấy cuộc sống ở quê khó khăn thì tôi như có thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu vươn lên.
Vì đã định hướng, có kế hoạch và sự chuẩn bị tốt những kỹ năng cần thiết nên năm 1998 tôi may mắn vượt qua cả trăm ứng viên để trúng tuyển vào chức cố vấn kỹ thuật cho một tập đoàn hàng đầu của Đức. Bốn năm sau tôi đổi chỗ làm mới với vị trí là giám đốc kỹ thuật cho một tập đoàn hàng đầu thế giới của Pháp, cũng đúng ngành tôi đã học. Ban ngày đi làm, buổi tối tôi hợp tác với một số trường để mở lớp dạy thêm, vẫn tiếp tục đến các trung tâm để trao dồi thêm vốn tiếng Anh và thường xuyên đi nước ngoài để học thêm về chuyên ngành của mình.
Tôi đã mở công ty riêng được 7 năm, hiện vẫn làm việc từ 8 – 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày/tuần, vẫn tiếp tục học thêm về chuyên ngành đang làm như tiếng Anh, vi tính…và không cần tới tết, tôi vẫn thường xuyên về quê thăm gia đình nếu có dịp. Dĩ nhiên không còn đi bằng xe đạp như ngày xưa nữa mà đi bằng xe hơi vì hiện nay tôi đã có xe hơi và hai căn nhà ở thành phố.
Tôi chưa bao giờ thấy tự ti, xấu hổ vì những công việc, khó khăn trong quá khứ, trái lại tôi còn phải cám ơn và thấy hãnh diện vì điều đó, vì ngay cả những lúc khó khăn mà mình vẫn cố gắng vượt qua. Nhờ những khó khăn đó mới cho mình được nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống… Còn bao nhiêu mảnh đời khó khăn hơn mình gấp bội mà họ vẫn cố gắng vượt qua mỗi ngày, không than vãn, tự ti, tủi thân.
Các bạn còn trẻ, còn sức khỏe, lại có học, nếu cố gắng không ngừng thì tôi tin các bạn còn đủ thời gian để thành công trong cuộc sống. Hãy cố gắng về thăm ba mẹ trước khi quá muộn các bạn nhé.
Tung Nguyen
Chia sẻ bài viết suy nghĩ của bạn về việc về quê ăn Tết tại đây.