Trong nỗi xót xa, Duyên - chị gái Kiên kể gia đình cô chỉ có 2 chị em, bố lại mất sớm. Từ nhỏ Kiên luôn tỏ ra là trụ cột của gia đình, lo lắng, bao bọc mẹ và chị; tính cách đó vẫn không mấy thay đổi khi đi đại học, có người yêu. Tuy nhiên, từ ngày ra trường, cậu em dần trở nên xa cách với gia đình.
"Tôi bận chồng con nên ít khi hỏi han được em. Tết năm ngoái gặp nhau, đã cố trò chuyện mà nó cứ lảng đi. Bạn bè rủ đi chơi, nó khư khư ở nhà ôm máy tính. Em không nói, tôi cũng biết nó đang buồn vì công việc chưa ổn định", Duyên cho biết.
Chị chia sẻ, em trai mình theo học ngành quản lý nhân lực, có thể làm các công việc bàn giấy, quản lý nhân sự, hành chính... Cậu ra trường đúng thời điểm kinh tế khó khăn, chỗ xin được việc thì mấy tháng không được trả lương, nơi thì bị cắt giảm nhân lực, nơi lương rất thấp.
Gần nửa năm trước, Kiên đầy trăn trở khi quyết định ra đi, xem việc "Nam tiến" như một miền đất hứa. Vào tới Bình Dương, vợ chồng Kiên (mới ăn hỏi) xin làm tạm công việc kiểm kê hàng hóa với mức lương khởi điểm tằn tiện đủ sống.
Tối qua, Kiên gọi về hỏi thăm sức khỏe, cho biết công việc tốt, cuộc sống đã tạm ổn. Rồi cậu rụt rè thông báo: "Con gửi 2 triệu vào tài khoản, mẹ bảo chị đi rút về sắm Tết. Tết này con sẽ không về mẹ ạ. Vợ con mới mang bầu sợ đi lại vất vả. Chúng con cũng muốn để dành ít tiền sang năm về tổ chức đám cưới", chị Duyên dẫn lại lời em.
Trong cảm nhận của người chị này, ngoài nguyên nhân tiền tàu xe cuối năm đội giá gấp đôi thì điều cốt yếu dẫn đến quyết định không ăn Tết cùng gia đình của Kiên là do mặc cảm không làm nên sự nghiệp.
Trong khi ai nấy đều mong ngóng từng ngày, từng giờ được về đoàn tụ cùng gia đình thì Hằng (Hà Tĩnh), hiện ở Hà Nội lại muốn làm thâu Tết để hợp thức hóa lý do "trốn" về quê của mình.
Cô gái 26 tuổi trước đây học giỏi, là niềm tự hào của bố mẹ. Từ ngày cô thi đại học trượt, rồi phải đi học trung cấp y, ra trường lại thất nghiệp khiến bố mẹ thường xuyên nhiếc móc. Chạy việc ở quê cả năm bất thành khiến cô chán nản bỏ lên Hà Nội gần năm nay, vừa kiếm việc làm tạm vừa gửi hồ sơ. Trong thời gian này, Hằng tìm được 2 bệnh viện tư cần người nhưng đều không được chọn. Bất đắc dĩ, may chăn ga gối đệm cho một cơ sở ở Hoàng Mai (Hà Nội) trở thành nghề của cô.
"Em sợ về Tết vì chỉ cần ai hỏi đến công việc, tiền bạc, hiện làm ở đâu là tự nhiên em tái mét. Trước tối giao thừa kiểu gì bố em cũng sẽ hỏi tình hình cả năm rồi buông một câu mỉa mai. Em cũng sợ gặp bạn bè cũ khi mà ai nấy đã có việc làm ổn định, đã có gia đình, còn em đây mang danh là lớp trưởng của họ bao năm giờ vẫn đang lận đận tìm tương lai", Hằng bộc bạch.
Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ được nghỉ làm, Hằng vẫn chần chừ chưa biết nên về hay ở. Cô nghĩ mình sẽ đưa lý do ở lại nhà bác mùng 3 cùng đi xe con về, sau đó viện tiếp lý do nào đó ở lại luôn nhưng không biết có đủ thuyết phục bố mẹ.
"Nhiều người quen của em cũng không về ăn Tết nhưng lý do của họ là tiền bạc, đường xa, con cái nhỏ. Còn em đơn giản vì chẳng muốn về", Hằng nói như khẳng định.
Trong một cửa hàng nhỏ ở gần chợ Định Công, Phương - sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng lúi húi cộng tiền. Rồi như người mất của, Phương phục xuống bì gạo ngay cạnh: "Không biết kiếm đâu ra chút tiền sắm Tết cho bố mẹ". Gia cảnh nghèo, bố mẹ lại mang bệnh không làm được gì nên gần 5 năm đại học, Phương phải đi làm thêm đủ nghề vừa để đóng học phí, vừa để lấy tiền chi tiêu. Thỉnh thoảng, cô lại chắt bóp vài đồng gửi về nhà.
"Năm kia tôi đi trông nhà cho người quen không về Tết. Năm ngoái gói bánh chưng thuê cũng tận giao thừa mới về. Năm nay đã giáp Tết rồi mà tôi chưa có đồng nào, có thể sẽ lại đi trông nhà cho người thành phố qua Tết mới về", Phương cho biết.
Theo Phương, người khác có thể quan trọng Tết vì đó là dịp sum họp, gặp mặt bạn bè song do hoàn cảnh, cô luôn phải đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên. Vào dịp này khó kiếm được công việc, nếu kiếm được thì lương sẽ cao hơn gấp đôi gấp ba so với ngày thường. Vì vậy, cô sinh viên năm cuối đang cố gắng kiếm những công việc làm tốt nhất.
Hơn nữa, chương trình học gần kết thúc nên Phương có nhiều thời gian đi làm. Buổi sáng cô giúp việc cho quán cà phê cạnh trường, buổi chiều đi bán gạo giúp bạn. "Trước Tết mình được nhận 100.000 đồng công rải tờ rơi và 150.000 đồng cho 3 đêm đi bán nước hộ bạn, cộng với tiền lương của hai công việc đang làm có khi cũng được hơn một triệu. Giúp bố mẹ vài trăm, còn đâu để tiền ra Tết mà ăn, chứ thời điểm đó khó kiếm việc lắm", Phương chia sẻ.
Gánh nặng tiền bạc luôn đè lên mình nhưng cô gái này rất hiếm khi than nghèo kể khổ hay tự ti về hoàn cảnh gia đình. Trái lại cô sống lạc quan. "Đi đi lại lại cũng mất vài trăm nghìn. Ngần ấy tiền gửi về cũng đủ cho bố mẹ chi tiêu. Còn lại, mình ở Hà Nội trông nhà cho người quen cũng được người ta hậu đãi lắm. Mùng 4, mùng 5 nhà chủ lên mình lại về", Phương cười tươi nhưng cũng thấp thoáng nỗi buồn trên gương mặt.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Phan Dương