Đại sứ Australia nói về tầm quan trọng của thúc đẩy tự do thương mại. Video: Trần Huấn
"Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, không hẳn ở khắp nơi trên thế giới, nhưng nó là một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta", ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam, trao đổi với VnExpress, nhân hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới gần đây nêu rõ nguy cơ khi chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề này trong các sự kiện quan trọng.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức hồi đầu năm, đã tuyên bố đề cao chính sách "Nước Mỹ trên hết". Chính quyền mới cho biết sẽ thực hiện chiến lược giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại việc làm cho người Mỹ. Tổng thống Trump đã ký quyết định rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cũng tính đến việc từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico.
Tại châu Âu, người dân Anh đã bỏ phiếu nhất trí rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Điều đó có nghĩa London sẽ không tuân theo các thỏa thuận chung của khối với các đối tác, bao gồm cả khía cạnh thương mại, theo giới quan sát.
Đại sứ Chittick nhấn mạnh Australia luôn coi tự do thương mại là một công cụ tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tác dụng của chính sách này đã được chứng minh bằng chính kinh nghiệm của Australia. Ông cho rằng khi nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam từ năm 1996 đến nay, phần lớn thành công của Việt Nam cũng là nhờ tiếp cận thị trường tự do.
"Australia và Việt Nam, hai nước có nền kinh tế tập trung vào thương mại, thì bảo hộ là mối đe doạ thực sự", ông Chittick nói.
Đánh giá về Hội nghị APEC tháng tới, Đại sứ Australia cho hay diễn đàn này từ lâu nay đã đưa các nước ở châu Á - Thái Bình Dương xích lại gần nhau với các nguyên tắc cơ bản. Trọng tâm là cam kết và tin tưởng của các nước đối với hệ thống thương mại đa phương, dựa trên các nguyên tắc quốc tế, điều mà cả Australia và Việt Nam cùng chia sẻ và hưởng lợi. Do đó, mục tiêu chính của Australia trong diễn đàn là cùng 10 nước thành viên thông qua TPP, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
"Các nước đang thảo luận hiệp định giống với phiên bản ban đầu, với trông đợi Mỹ sẽ quay trở lại. Quyết định của Mỹ tất nhiên cũng làm thay đổi động lực, nhưng Australia tin rằng với ít sửa đổi, TPP sẽ là cách tốt nhất để có một kết quả tốt ở Đà Nẵng", ông Chittick nói.
Dù các nước đang đàm phán kín và chưa thể tiết lộ các nội dung cụ thể, Đại sứ Australia khẳng định TPP là một hiệp định của thế kỷ 21, đề cập tới tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề mới mà các thoả thuận khác không nhắc đến. Vì thế Australia muốn giữ lại những phần ưu việt của TPP.
Những cơ hội như TPP không có nhiều
Đại sứ Australia phân tích mặc dù Mỹ đã rút lui, TPP vẫn tốt hơn bất kỳ thoả thuận nào đang có trong chương trình nghị sự của các nước, những cơ hội như thế không có nhiều. Các nước cần thẳng thắn nhìn nhận điểm tích cực của hiệp định, cũng như việc TPP có thể không thành công.
Theo ông, nếu TPP không được thông qua, các bên sẽ bị tổn thất. Australia sẽ mất đi cơ hội hội nhập sâu ở châu Á - Thái Bình Dương, còn Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại nhiều. Do đó Australia mong muốn Việt Nam cùng các nước thành viên khác tìm cách để đạt được TPP.
Đại sứ Australia thẳng thắn cho rằng không có gì bảo đảm TPP sẽ thành công, đó là lý do bộ trưởng và quan chức các nước đang phải nỗ lực rất lớn. Kể cả khi được thông qua, TPP cũng có thể không hoàn hảo cho tất cả mọi người.
Do chính phủ Australia dành mối quan tâm lớn đến việc thúc đẩy TPP nên nước này trao đổi với Việt Nam thường xuyên. Các bộ trưởng và quan chức cấp cao thảo luận về hiệp định ở Việt Nam và khi gặp gỡ ở các hội nghị đa phương trên khắp thế giới. Trong APEC, Australia có chung quan điểm với Việt Nam về việc cần cam kết bảo đảm tự do thương mại và tầm quan trọng của thương mại đa phương.
Ngay từ khi đến nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, khi ông Chittick đặt câu hỏi cho các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về hội nhập quốc tế của Hà Nội, ông đã nhận được lời khẳng định Việt Nam quyết tâm cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đến bây giờ ông không thấy bất cứ điều gì đi ngược lại cam kết đó.
"Chúng tôi rất trông đợi Việt Nam thúc đẩy để có kết quả thành công tại Cấp cao APEC tháng 11, khi Việt Nam làm chủ nhà", ông Chittick nói.
Việt Anh