- Là người nghiên cứu lịch sử kinh tế, ông thấy vai trò của ông Võ Văn Kiệt trong tổ chức lại kinh tế miền Nam những năm sau thống nhất như thế nào?
- Sau thống nhất, Sài Gòn bị kéo vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng, nhưng dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá pháp lệnh 5,2 hào một kg trong khi thị trường là 1,5 đồng một kg, nông dân đâu chịu bán. Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt khi ấy chỉ đạo Công ty Lương thực thu mua lúa của dân theo giá tương xứng, cứu đói cho thành phố.
Ủy ban Vật giá bèn “kiện” lên trung ương rằng ông Kiệt phá rào. Bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố bị triệu ra kiểm điểm. Thế nhưng sau khi ông Kiệt ra báo cáo, thuyết phục, Tổng bí thư Lê Duẩn ủng hộ. Giá thu mua lương thực cả nước nhờ đó được điều chỉnh lên gần với giá trị thực.
Sau vụ đó, đến lượt Xí nghiệp Dệt Thành Công thiếu vật tư, đình trệ sản xuất. Nhà nước không lo nổi chuyện cung ứng vật tư, nguyên liệu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì không có ngoại tệ, trong khi Ngân hàng Ngoại thương thừa đôla trong két lại không được tự ý cho vay. Nhiều ngành khác cũng đình đốn. Ông Kiệt đã chỉ đạo ngân hàng phải cho vay và yêu cầu doanh nghiệp phải trả được nợ. Nút thắt được gỡ, doanh nghiệp nhập nguyên liệu về sản xuất, có hàng hóa phục vụ dân, có lãi dư trả nợ.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam năm 1994. Ảnh: Nguyễn Công Thành (Pháp luật TP HCM) |
- Trong thời gian làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt có những quyết sách kinh tế nào đáng chú ý?
- Đầu tiên là cải cách hệ thống kế hoạch, dần dần thừa nhận quyền tự chủ của xí nghiệp quốc doanh, của địa phương. Sau đó là việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng. Với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm, ông Kiệt đã thành công trong chuyển đổi hệ thống ngân hàng nhà nước. Từ đó các ngân hàng thương mại quốc doanh mới thực sự có sức sống, rồi tỷ giá ngoại tệ được đẩy lên sát giá thị trường, mở cửa thu hút kiều hối... Ông cũng là người ký ban hành Quyết định 217 trao quyền tự chủ cho xí nghiệp quốc doanh...
Đại hội VI năm 1986, ông Kiệt chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn: Phát triển sản xuất lương thực, chấm dứt chủ trương công nghiệp nặng đi trước; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu. Ba chương trình được thúc đẩy đồng bộ, quyết liệt làm thay đổi cục diện kinh tế. Đến 1989, từ một nước thiếu ăn, lần đầu tiên ta xuất khẩu gạo.
Ngay việc xuất khẩu gạo cũng là quyết định táo bạo. Trong nước thừa gạo, nhưng xí nghiệp nhà nước không đủ tiền thu mua. Ông Kiệt ký cho phép giám đốc Vietcombank vay ngoại tệ, nhập vàng về bán cho dân lấy tiền mua gạo xuất khẩu.
- Năm 1991, ông Võ Văn Kiệt được giao trọng trách Thủ tướng. Ông Kiệt đã tiếp tục triển khai tầm nhìn cải cách ra sao, thưa ông?
- Với thành quả ban đầu của quá trình đổi mới, trung ương tự tin hơn trong mở cửa với bên ngoài. Và trên cương vị Thủ tướng, ông Kiệt có được vị thế ngoại giao để đặt quan hệ chính thức với nguyên thủ các quốc gia, đầu tiên là các nước trong khối ASEAN. Đột phá là quan hệ với Thái Lan, rồi đến Indonesia và các nước khác. Và từ 1990, Việt Nam sáng lên, thoát khỏi cái bóng hậu chiến, được thế giới kính trọng. Ông Kiệt trở thành nguyên thủ quốc gia được bạn bè quốc tế yêu quý.
Dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều văn bản pháp luật làm khuôn khổ pháp lý cho kinh tế thị trường đã được ban hành. Từ những đóng góp của ông trong việc thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều chuyên gia, học giả đã gắn liền sự nghiệp của ông với hai chữ đổi mới.
Dân là thước đo chính sách Ở anh có điểm rất đặc biệt, không học cao, nhưng rất trí tuệ. Ngày đầu tham gia cách mạng, anh Sáu làm trí vận, tiếp xúc nhiều với các đại trí thức. “Trí vận tức phải lãnh đạo trí thức. Nhưng quả thật không biết ai lãnh đạo ai mà mình học được rất nhiều từ họ, cảm phục họ”, anh kể. Tới kháng chiến chống Mỹ, anh tiếp tục tham gia nhiều vào công tác mặt trận, luôn lắng nghe, trân trọng trí thức. Có lẽ nhờ vậy, sau ngày thống nhất, anh Sáu Dân rất trân trọng những trí thức còn ở lại. Anh tập hợp một nhóm tư vấn cho Thành ủy với nhiều trí thức, cựu quan chức chế độ Sài Gòn... Hàng chục trí thức cứ vài ngày lại tập họp ở 19 Tú Xương, vừa nghiên cứu, vừa thoải mái góp ý cho Thành ủy. Ông rất tế nhị trong đối đãi với trí thức cũ. Ngân sách bao cấp không chi một đồng lương, nhưng trong cương vị bí thư Thành ủy, ông lập ra một quỹ nghiên cứu và yêu cầu Công ty Lương thực thành phố mỗi tháng cấp cho họ 30 kg gạo. Gạo đưa đến tận nhà, họ không phải xếp hàng tem phiếu. Anh Sáu Võ Văn Kiệt không câu nệ học thuyết, không thích công thức có sẵn, rập khuôn mà từ thực tế được soi sáng bởi tri thức. Anh đi bằng hai chân: thực tiễn mà anh nắm rất chắc, và nghe tiếng nói trí thức, không phân biệt cũ mới. Từ đó anh quyết định lựa chọn phương án. Đối với Võ Văn Kiệt, dân là quan trọng nhất, là thước đo chân lý, thước đo lập trường, thước đo sự đúng đắn của chính sách, thước đo nhiệt tình cách mạng của một người cộng sản. GS Đặng Phong |
(Theo Pháp luật TP HCM)