Ông Võ Văn Kiệt. Ảnh: VNU. |
Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng chiều 12/6 viết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.
"Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức quốc tang", thông cáo viết.
Linh cữu ông quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, bắt đầu từ 8h ngày 14 đến 8h30 ngày 15/6. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 9h ngày 15/6. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.
Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông Võ Văn Kiệt ở TP HCM, Ban tang lễ sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội và trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long.
Trong hai ngày quốc tang (14-15/6), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ban lễ tang nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt gồm 33 lãnh đạo cấp cao do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm trưởng ban.
Ông Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long. Bí danh hoạt động cách mạng là Sáu Dân.
Tham gia cách mạng năm 1938, vào Đảng tháng 11 năm 1939, ông là Thủ tướng Chính phủ khóa 1991-1997. Từ tháng 12/1997, ông Kiệt được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) chấp thuận rút khỏi Bộ Chính trị và cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa 6, 8, 9, huân chương Sao Vàng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Những năm cuối đời, ông Kiệt sống tại TP HCM. Với tư cách công dân, nguyên Thủ tướng vẫn hết sức quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước và thường xuyên đóng góp ý kiến, viết bài thể hiện quan điểm, chính kiến.
Ông Võ Văn Kiệt được xem là nhà chính trị, "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
Từ năm 1988, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Sáu Dân đã có những quyết đoán cho chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau vốn bị nhiễm phèn, mặn thành vùng đất trù phú, người dân có nước ngọt để dùng.
Năm 1992, ông Kiệt duyệt luận chứng kinh tế và trực tiếp chỉ đạo công trình đường dây tải điện Bắc - Nam. Đây là hệ thống tải điện với đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam, chuyển tải năng lượng từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Năm 1993, ông ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa, chia sẻ mật độ phương tiện lưu thông cho quốc lộ 1A vốn thường xuyên bị lũ lụt ngăn trở. 7 năm sau, từ quyết định của người tiền nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh.
Ông Kiệt cũng là người ký nghị định thành lập ĐHQG năm 1993, chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sự ra đời của hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Chủ trương mở ra con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh. Thời gian đi từ Hà Nội đến Hòa Lạc được rút ngắn chỉ còn 30 phút, nhanh hơn đi trong nội thành vào giờ cao điểm.
Khi về hưu, ông Kiệt vẫn tiếp tục cống hiến như góp ý về việc xây dựng tòa nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình; dự án xây dựng nhà máy dầu Dung Quốc; đề xuất nghiên cứu xử lý hai cửa sông để khai thác giao thông sông Tiền, sông Hậu; khởi công tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương thuộc tỉnh Tiền Giang; dự án mở rộng Hà Nội sáp nhập Hà Tây, xây dựng thành phố dọc sông Hồng.
Nhóm phóng viên