Đại phái viên của Mỹ phát biểu trước cuộc đàm phán chính thức với Triều Tiên tại Bắc Kinh. Ảnh: AP |
Đặc phái viên của Mỹ, ông Glyn T. Davies, và đối tác của mình bên phía Triều Tiên là ông Kim Kye-gwan đã có hai buổi gặp tại Bắc Kinh trong ngày 23/2, một cuộc gặp ở Đại sứ quán Mỹ và một gặp tại Đại sứ quán Triều Tiên. Hai phái đoàn cùng dùng bữa tối và tiếp tục cuộc đàm phán chính thức trong ngày hôm nay.
Các vấn đề hai bên tiến hành bàn thảo bao gồm các chương trình hạt nhân và viện trợ lương thực, nhưng cuộc đàm phán vẫn chưa có nhiều nhiều tiến triển, AP dẫn lời ông Davies cho biết.
"Cuộc họp hôm nay thực chất và nghiêm túc, và chúng tôi còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán", Davies nói.
Ông Kim Kye-gwan cũng mô tả cuộc họp ngày hôm qua là "tích cực" và hai bên cùng tham dự đàm phán với "thái độ nghiêm túc".
Cuộc đàm phán lần này được cho là cuộc thăm dò của chính quyền Obama xem liệu nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên có chấp nhận các điều kiện để nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhận ở Triều Tiên hay không.
Trong năm ngoái, Triều Tiên và Mỹ đã tiến hành hai cuộc đàm phán tại New York và Geneva. Cuộc đàm phán thứ ba dự kiến diễn ra trong tháng 12/2011, nhưng phải hoãn lại vì sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Cuộc hội đàm sáu bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đã tạm ngưng sau khi Triều Tiên tẩy chay năm 2009, với lý do mà nước này cho là những hành động thù địch của Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đồng ý khôi phục đàm phán sau khi cố chủ tịch Kim Jong-il đi thăm Nga hồi năm ngoái.
Năm 2006, Triều Tiên được cho là quốc gia thứ tám trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 2009, nước này tuyên bố tiến hành thành công cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai. Năm 2010, cựu giám đốc phòng thí nghiệm quốc Los Alamos của Mỹ, Siegfried S. Hecker, có chuyến thăm đến Triều Tiên và được mời đến thăm khu công nghiệp làm giàu uranium mà trước đó phương Tây chưa được biết.
Từ đó đến nay, Mỹ luôn tích cực xúc tiến các cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ thỏa thuận đã cam kết trong vòng đàm phán năm 2005, là từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc và Hàn Quốc rất hoan nghênh và chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ thúc đẩy tiến trình của vòng đàm phán sáu bên và tạo ra bước tiến mới cho tình hình ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
Vũ Hà