Người biểu tình giơ ảnh của thủ tướng vừa bị cách chức Samak tại Bangkok. Ảnh: AFP. |
Quyền thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat hôm qua tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Bangkok, khi đảng cầm quyền chọn ứng viên mới cho chiếc ghế đứng đầu chính phủ thay ông Samak.
> Những kịch bản có thể xảy ra ở Thái Lan
Ông Somchai Wongsawat cho biết căng thẳng ở Bangkok đã dịu bớt kể từ sau khi tình trạng khẩn cấp được thiết lập tại đây hai tuần trước. "Chúng tôi đã nhận thấy rằng tình hình bớt nghiêm trọng hơn và việc tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp sẽ gây thiệt hại cho quốc gia", quyền thủ tướng cho hay.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan lâm vào tình trạng bế tắc khi hàng nghìn người biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ, đòi thủ tướng lúc đó là Samak Sundaravej và nội các từ chức. Cuối cùng, ông bị tòa án hiến pháp Thái phế truất vì vi hiến khi dạy nấu ăn trên truyền hình và nhận thù lao trong khi đương chức.
Samak từ bỏ ý định trở lại nắm quyền sau khi không nhận được sự hậu thuẫn của đảng. Đảng cầm quyền PPP và liên minh đang lên kế hoạch chọn ra ứng viên mới cho chức vụ này, trước cuộc bỏ phiếu của quốc hội ngày 17/9. Giới phân tích cho rằng PPP sẽ gặp khó khăn tìm người thay thế Samak, một trong số ít những chính trị gia Thái Lan sẵn sàng đối mặt với những nhân vật hàng đầu trong giới quân sự.
Các ứng viên của PPP gồm hai phó chủ tịch đảng là Sompong Amornviwat, Somchai Wongsawat và tổng thư ký Surapong Suebwonglee. Bất cứ ai lên làm thủ tướng Thái Lan cũng sẽ mang một trọng trách khó khăn do những người biểu tình vẫn cố thủ bên ngoài tòa nhà chính phủ, thề sẽ tiếp tục ở đó khi đảng PPP vẫn cầm quyền.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan nổ ra từ hôm 26/8, khi 35.000 người ủng hộ phe đối lập PAD bao vây các tòa nhà chính phủ và xông vào một đài truyền hình quốc gia ở Bangkok.
PAD cáo buộc Thủ tướng Samak Sundaravej là con rối và đang điều hành Thái Lan thay cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Họ còn cho rằng đương kim thủ tướng đã sửa đổi hiến pháp nhằm giúp Thaksin tránh được hàng loạt các tội danh, đồng thời chỉ trích chính phủ không chịu truy tố Thaksin đến cùng bằng cách dẫn độ ông này về nước xét xử.
Chính các cuộc biểu tình do PAD dẫn đầu năm 2006 đã dẫn đến vụ đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông này bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng chức vụ để giúp người thân trục lợi và cả tội xúc phạm quốc vương. Thaksin cùng vợ con đã trốn sang London để tránh ra tòa án tối cao vì những tội danh trên.
Hải Ninh (theo AFP)