Quảng trường St. Peter, Vatican. Ảnh: Wikipedia. |
Chính quyền Vatican Hiến pháp: Hiến pháp tòa thánh 1967 Quyền bỏ phiếu: các Hồng y dưới 80 tuổi. Cơ quan hành pháp: Đứng đầu chính phủ: Giáo hoàng. Nội các: Ban tòa thánh do Giáo hoàng chỉ định. Bầu cử: Giáo hoàng được Hội đồng các Hồng y bầu ra và đảm nhiệm chức vụ suốt đời. Cơ quan lập pháp: Ban tòa thánh một viện. Cơ quan tư pháp: không có, thường do Italy đảm trách. Quân sự: Quốc phòng là trách nhiệm của Italy. Các lính gác Thuỵ Sĩ canh giữ các lối vào thành phố Vatican để đảm bảo an ninh và bảo vệ Giáo hoàng. |
Thành phố Vatican nằm trên một khu đất mà người La Mã xưa vẫn gọi là Mons Vaticanus. Các Giáo hoàng bị mất quyền lực chính trị ở Rome và các khu vực chung quanh khi nước Italy thống nhất (1861–1870). Thời kỳ này họ tự gọi mình là “những tù nhân Vatican”. Sau đó, chính quyền Mussolini công nhận thành phố Vatican là một quốc gia độc lập theo hiệp ước Lateran 11/2/1929.
Nơi đây có một nền kinh tế phi thương mại độc nhất vô nhị, chủ yếu do các khoản quyên góp của người Thiên chúa giáo La Mã trên khắp thế giới (thường được biết dưới cái tên đồng xu của thánh Peter) cũng như thu nhập từ bán tem, các ấn phẩm, đồ lưu niệm cho khách du lịch, phí vào các viện bảo tàng. Ngân sách vào khoảng 200 triệu USD.
Trên địa hình dạng đồi thấp, diện tích Vatican chỉ vẻn vẹn có 0,44 km2, lọt thỏm trong thành Rome. Bao chung quanh là những bức tường hàng trăm tuổi. Đường biên giới dài chừng 3,2 km. Độc lập là đặc tính thế tục quan trọng nhất của Vatican vì nó bảo vệ Giáo hoàng khỏi áp lực của bên ngoài.
Lực lượng lao động vào khoảng 4.000 người, trong đó 500 người có quyền công dân. Với một dân số nhỏ, chừng 900, Vatican có tất cả mọi thứ mà một quốc gia phải có: cảnh sát, một tờ báo, đài truyền hình và phát thanh, ga xe điện, dịch vụ bưu chính, thậm chí có cả một cái bếp riêng để nấu súp cho người nghèo.
Có một vài nét đặc biệt ở thành phố này. Tắc nghẽn giao thông có thể giăng hàng đến 10 chiếc ôtô. Và Vatican có lẽ là đất nước duy nhất trên thế giới, nơi mà máy rút tiền tự động đưa ra những lời chỉ dẫn bằng tiếng Latin. Ngoài thành phố Vatican, 13 tòa nhà ở Rome và lâu đài Gandoflo (nơi nghỉ hè của Giáo hoàng) cũng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Những người lính Thụy Sĩ ở Vatican. Ảnh: Wikipedia. |
Trong các doanh trại, những tân binh thuộc lực lượng vũ trang nhỏ nhất thế giới đang duyệt binh. Đó là những lính gác Thụy Sĩ. Suốt 500 năm qua, họ là đội cận vệ của Giáo hoàng.
Tổng số lính Thụy Sĩ chỉ vào khoảng 100, và để được tuyển họ phải đáp ứng các điều kiện: là người Thụy Sĩ, theo đạo Thiên chúa giáo La Mã và cao ít nhất 1m73. Những lính gác Thụy Sĩ chỉ đóng một vai trò nghi lễ, nhưng họ cũng là một lực lượng an ninh được huấn luyện chỉn chu. Khi Giáo hoàng xuất hiện trước công chúng, những người này mặc thường phục và cùng với lực lượng cảnh sát Vatican hình thành một vành đai bảo vệ ông.
Hồi mới đến Vatican, ông thợ may của Vatican - Ety Cicioni - phải đối mặt với thử thách đáng kinh ngạc: Không hề có chỉ dẫn hay bản vẽ nào về cách làm quân phục cho lính gác Thụy Sĩ. Tất cả những gì ông có trong tay là một bộ đồng phục hoàn chỉnh nặng 3,6 kg. “Vợ tôi và tôi phải tháo tung nó ra. Nó được làm từ 154 mảnh khác nhau. Tôi phải nghiên cứu chán chê mới hiểu nổi cấu tạo của nó”, ông kể lại.
Người ta vẫn cho rằng tác giả đầu tiên thiết kế ra bộ quân phục cho lính Thụy Sĩ là Michelangelo. Mẫu hiện tại là do một người chỉ huy đội gác thiết kế. Lần đầu tiên, nó được mặc là năm 1914. Ngay cả với mẫu quân phục đã được đơn giản hoá như hiện nay, ông Ety cũng phải mất tới 32 giờ và 3 lần cho mặc thử mới hoàn tất được. Kể từ khi đội gác được hành lập vào năm 1506, các thành viên đã có truyền thống mang kích và kiếm.
Giáo hoàng và tòa thánh
Khi một Giáo hoàng qua đời, hội đồng các Hồng y - nhóm các linh mục cao cấp nhất - được triệu tới Rome để bầu ra tân Giáo hoàng. Về mặt lý thuyết thì bất cứ người nào theo Thiên chúa giáo La Mã đều có thể được bầu. Nhưng trong lịch sử, các ứng cử viên chỉ giới hạn trong số chính các Hồng y.
Tiến trình này được gọi tên là comclavis: “họp kín”. Từ này có nghĩa đen là “khoá kín”, xuất phát từ việc thuở trước, các Hồng y bị nhốt trong một căn phòng cho đến khi ra quyết định. Để đảm báo tính bí mật trong suốt tiến trình họp và tránh áp lực ở bên ngoài, người ta xây các khu ở tạm của các Hồng y tại khắp các cung điện, thư viện và viện bảo tàng Vatican.
Việc bỏ phiếu chỉ diễn ra tại Nhà nguyện Sistine. Sau khi phiếu được kiểm, tất cả các lá phiếu được đốt trong một cái bếp lò nhỏ. Người ta có thể nhìn thấy ống khói của bếp lò này từ quảng trường St Peter. Những người đi qua thường nhìn vào màu khói để đoán già đoán non: màu đen có nghĩa là bỏ phiếu hỏng, màu trắng có nghĩa là một vị Giáo hoàng đã được chọn ra.
Vào ngày 16/10/1978, khói trắng bay lên phía trên nhà thờ Sistine, báo hiệu sự lên ngôi của Giáo hoàng John Paul II. Ảnh: worldpress |
Người được bầu làm Giáo hoàng sau đó sẽ tiến về phía án thờ ở Nhà thờ Sistine. Nơi đây có một căn phòng cùng bộ áo trắng của Giáo hoàng đang chờ đợi ông. Căn phòng được đặt tên là Phòng Nước mắt, vì người ta cho rằng sẽ có một sự xúc động nhất định, khi vị tân Giáo hoàng chuẩn bị khoác lên mình bộ lễ phục. Ít phút sau, những cánh cửa kính trên balcon chính giữa của nhà thờ St Peter mở toang và các Hồng y trịnh trọng bước ra nói lời thông báo chính thức.
Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã đã trải qua 265 đời Giáo hoàng, và vừa bầu được Giáo hoàng thứ 266. Các đời Giáo hoàng bắt đầu từ Thánh Peter, 35 vị Giáo hoàng đầu tiên được phong thánh. Vị Giáo hoàng thứ 36, Liberius (thế kỷ thứ 4) vì tính tình không quyết đoán mà góp phần đưa tới những vụ cãi cọ giữa Rome và Constantinople. Ông trở thành giám mục Rome đầu tiên không được phong thánh.
Pius IX, trị vì gần một phần ba thế kỷ XIX, là Giáo hoàng giữ chức lâu nhất từ truớc đến nay. Năm 1846, ông lên ngôi vị Giáo hoàng, áp dụng những chính sách cải cách và ân xá cho các tù nhân chính trị và những người bị lưu đày. Thế nhưng năm 1848, những nhân vật cách mạng lại bao vây văn phòng của Giáo hoàng và giết chết thủ tướng Rossi của ông. Pius thoát được nhờ nguỵ trang làm một linh mục bình thường. Phải tới năm 1850 nhờ sự giúp đỡ của binh lính Pháp, Pius IX mới trở lại được thành Rome. Một thập kỷ sau đó ông phải chứng kiến cảnh tượng tất cả các vùng đất của Giáo hoàng, ngoại trừ Rome và vùng phụ cận, bị cắt cho vương quốc Italy mới. Hồi tháng 9/1870, Italy chiếm luôn cả Rome và vương quốc của Giáo hoàng không còn nữa.
Pius X là một trong các Giáo hoàng được phong thánh. Ông qua đời vào đúng lúc Thế chiến I bắt đầu.
Pius XII lên trị vì tháng 3/1939. Ông đã thảo ra thông tri, tố cáo tư tưởng Đức Quốc xã là phản Thiên chúa giáo. Pius XII từng cố gắng ngăn chặn Thế chiến II (bắt đầu 6 tháng sau khi ông lên làm Giáo hoàng). Về sau, ông bị cho là dựa quá nhiều vào những phương cách ngoại giao truyền thống khi phải đương đầu với Đức Quốc xã.
Minh Châu