Kính gửi: Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.
Thưa thầy, em là một học sinh đã tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam và đang du học tại Mỹ.
Em được nghe rất nhiều bức xúc của các thầy cô và trong dư luận nói chung về việc dạy và học bộ môn Văn học và Lịch sử tại Việt Nam. Đây là hai môn xã hội rất quan trọng mà em cho rằng vấn đề chính là phải học thuộc lòng quá nhiều nên học sinh không thực sự hiểu bài, đạt kết quả không cao trong các kỳ thi. Em xin góp ý kiến về cải cách hai môn học này.
Em được học môn Văn học Mỹ và Lịch sử trong trường Đại học tại Mỹ. Ngoài ra, em cũng tham khảo ý kiến các thầy cô và bạn bè ở đây về cách dạy Lịch sử ở bậc phổ thông. Theo đó, trong lớp, học sinh được phép thảo luận và nêu ra ý kiến của mình. Với một tác phẩm, các em được phát biểu là "thích" hay "không thích". Với một sự kiện, các em được thảo luận xem sự kiện đó có hợp lý không, tại sao sự kiện lại diễn ra như thế.
Cách chấm thi ở nước ngoài khác ta ở chỗ là họ không có đáp án cụ thể cho hai môn này. Thang điểm dựa vào khả năng lý luận của học sinh chặt chẽ đến đâu, cách hành văn có trôi chảy không, số lượng dẫn chứng đưa ra có cho thấy là học sinh thuộc tác phẩm không. Những em làm bài sơ sài, văn phong không trau chuốt, hoặc lý luận quá bất hợp lý sẽ bị điểm kém. Em cho rằng đây là cách chấm điểm hợp lý.
Vì sao cách chấm điểm lại có tầm quan trọng đến thế? Việc dạy và học luôn xoay quanh trang bị cho các em kiến thức tốt để bước lên những bậc học cao hơn, một phần trong đó là đạt điểm tốt trong các kỳ thi. Vì thế, thay đổi cách chấm điểm sẽ buộc việc dạy và học phải thay đổi.
Em tin điều này cũng tạo hứng thú khi học Lịch sử và Văn học và được học sinh hoan nghênh. Các em được tham gia vào bài giảng, được nêu ra ý kiến cá nhân và các thầy cô có thể sửa nếu ý kiến đó lệch lạc hoặc bất hợp lý. Hơn thế nữa, khả năng phân tích, cảm thụ và lý luận là những điều học sinh cần phát triển, chứ không phải học thuộc lòng.
Em đã đọc những đề thi tốt nghiệp THPT và Đại học những năm gần đây. Thông thường nhất là câu hỏi: "Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm" hoặc "Theo anh/chị, tác phẩm này/sự kiện này có ý nghĩa thế nào?". Tuy nhiên luôn có đáp án kèm theo, và các em phải nêu ra được những ý cụ thể y như đáp án thì mới được điểm.
Ở bậc phổ thông, em luôn là một học sinh xuất sắc môn Văn và thậm chí được cử đi thi học sinh giỏi thành phố. Tuy nhiên, em rất áy náy vì thực sự em chưa bao giờ hiểu hết các tác phẩm văn học, và cũng không được phép phát biểu cảm xúc thực sự của mình.
Với môn lịch sử, em cũng chỉ học thuộc lòng và vì thế được điểm rất cao. Nhưng trí nhớ thì có hạn, mà khả năng phân tích thì không có, nên không thể nói rằng em thực sự hiểu các bài học Lịch sử. Đó là một hạn chế rất đáng buồn. Em nghĩ đó là lý do học sinh thờ ơ với môn Lịch sử và đạt điểm 0 (không) tốt khi thi tốt nghiệp.
Em đã đọc và nghe nhiều về các dự án cải cách giáo dục, như tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới sách giáo khoa... Đó đều là những dự án rất tốn kém. Một việc đơn giản và thiết thực là thay đổi cách ra đề và chấm thi thì không được nhắc đến. Việc này không tốn kém nhưng lại tác động trực tiếp đến khâu dạy và học, và có thể là bước đột phá trong cải cách.
Cách học có thể ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh vì trong tương lai, khi các em lên Đại học và đi làm, khả năng phân tích tình huống mới là quan trọng. Em mong rằng thế hệ tương lai của chúng ta sẽ năng động, có tác phong làm việc không thụ động. Có thế, các em mới đóng góp được nhiều cho đất nước. Những điều này chỉ có thể được chuẩn bị từ bậc phổ thông, từ cách học và hiểu bài của các em.
Là một học sinh yêu môn Văn học và Lịch sử, với mong muốn việc dạy và học hai môn này được cải thiện phù hợp với xu hướng của thế giới, em mong rằng ý kiến của em sẽ được xem xét.
Trần Thùy Dung (Sinh viên năm thứ ba, Đại học Wesleyan, Mỹ)
Bạn có thể đóng góp ý kiến về việc nâng cao chất lượng dạy và học tại đây.