Tại buổi họp báo chiều 7/1, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tín dụng nền kinh tế tính đến 31/12/2020 đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,13% so với cuối năm 2019. Con số này nhảy vọt trong những ngày cuối năm. Cụ thể, vào 21/12, dư nợ tín dụng chỉ tăng 10,14% và khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng ước tính cả năm tăng khoảng 11%.
Năm 2021, Phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, nhưng có thể mở rộng hoặc siết lại theo tình hình dịch bệnh.
Theo ông Tú, con số này được cơ quan quản lý cân đối và nhìn nhận từ thực tế năm 2020 và mang tính định hướng trong điều hành, không phải cố định hay pháp lệnh bắt buộc thực hiện.
"Tức là sẽ có điều chỉnh khi cần thiết", ông Tú nói. Trong trường hợp Covid-19 chấm dứt, nền kinh tế cần phục hồi nhanh và các lĩnh vực kinh doanh cần nhiều vốn hơn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng tín dụng. Ngược lại, nếu đảm bảo tỷ lệ lạm phát ở mức cho phép thì cơ quan này sẽ kiểm soát chặt chẽ dựa trên mức cơ sở là 12%.
"6 tháng đầu tín dụng quá khó khăn, chúng tôi lo lắng không biết cả năm có đạt 9-10% không nhưng vẫn kiên định không hạ chuẩn", ông Tú chia sẻ. Ông cho rằng cầu tín dụng suy yếu bởi tác động của dịch bệnh nên tăng trưởng thấp hơn năm 2019 và không đạt như kỳ vọng đề ra ban đầu là 14%, nhưng mức 12,13% thể hiện nỗ lực lớn của các tổ chức tín dụng.
Tính đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm và hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cho vay mới lãi suất thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, số liệu thống kê cho thấy khối lượng khách hàng được cơ cấu nợ theo Thông tư 01 đã giảm, nhất là các chu kỳ vay ngắn hạn. Cơ quan này đang tiếp thu và thảo luận về ý kiến của các bộ ngành góp ý sửa đổi Thông tư trước khi trình Thủ tướng trong tuần sau.
Phương Đông