Thông tin trên được ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10. "Quý I tăng trưởng rất chậm, quý II có chiều hướng tăng nhanh hơn một chút nhưng vẫn chậm", ông bình luận.
Việc tín dụng tăng 1,8 điểm % chỉ trong tháng 9 được ông đánh giá là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là nhóm nông nghiệp, sản xuất, thậm chí là cả dịch vụ, vốn đang rất khó khăn. Theo ông, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, linh hoạt khi sẵn sàng tiếp cận vốn vay mới khi các khoản nợ cũ được giãn, hoãn hay cơ cấu lại.
Phó thống đốc cho biết, trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt, xuất khẩu được phục hồi, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 8-10%. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ông cho rằng phải cơ cấu lại các khoản nợ, lãi đến hạn, đặc biệt là giảm lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã thực hiện hoạt động này 3 lần, tổng mức giảm khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đưa ra vốn vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng tìm cách giảm chi phí để có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi.
Dù đồng tình với các giải pháp giảm lãi suất, chi phí nhằm kích thích doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, nguồn tiền này không phải là vốn cho không. Đây là vốn thị trường, phải dựa vào nguyên tắc cung, cầu.
Theo ông, dù tăng trưởng tín dụng tích cực nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay hay muốn vay. Điều tiên quyết với doanh nghiệp là có thể giải quyết được vấn đề đầu ra. Nếu không có đầu ra, nhu cầu vay vốn là không có, ông Phương nói.
Phương Ánh