Cuộc đời vẫn cứ chầm chậm trôi đi từng ngày, từng giờ như một dòng chảy bất tận của tạo hóa. Con người bị đặt trong cái vòng luẩn quẩn khép kín mang tên sinh lão bệnh tử. Có lẽ mỗi người từ lúc trưởng thành cho đến khi trở về với cát bụi, đều mang trong mình hoài niệm về một thời thơ ấu. Có những người bận rộn, hối hả chạy theo dòng đời rồi vô tình quên mất những tháng ngày vụng dại, ngây ngô. Lại có những người sâu sắc, chôn chặt kỷ niệm xưa tận sâu kín tâm hồn và đôi khi mở nó ra chiêm nghiệm.
Trong cuộc sống, có một điều bạn không bao giờ với tới được, đó là ngày mai, và cũng có một điều bạn không bao giờ tìm lại được, đó là ngày hôm qua. Bạn cũng có thể cho đó là ký ức, là tuổi thơ, là tất cả những gì đã nằm lại miền đất mang tên quá khứ. Dù hạnh phúc hay khổ đau, chắc chắn rằng, mỗi chúng ta đều có một thời thơ ấu để nhớ nhung, một tuổi thơ để hoài niệm, một khoảng trời bé nhỏ để yêu thương. Bởi đó là khi chúng ta nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trong sáng và hồn nhiên của những đứa trẻ, chúng ta thấy nó thật đẹp, thật lộng lẫy khi được điểm tô bằng những gam màu rực rỡ, tươi sáng. Và cũng vì, nếu bạn không bao giờ mở cái ngăn ký ức của mình ra để ôn lại, thì bạn sẽ không biết mình đã đi qua những tháng ngày ấy từ lúc nào. Tuổi thơ là cái ai cũng có, nhưng không phải ai cũng nhớ...
Tôi sinh ra ở xứ Thanh, vùng quê nằm trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, nơi có sự mát lành của núi rừng heo hút, có vị mặn chát của biển khơi cuộn trào, có sức nóng âm ỉ của những cơn gió phơn Tây Nam hay cái lạnh thấu xương của những đợt gió mùa Đông Bắc. Nhưng dẫu cho đời đời vẫn phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhịp sống của nơi ấy vẫn yên ả như bao miền quê khác trên đất nước này. Bây giờ nhìn lại quãng thời gian 25 năm của cuộc đời, tất cả với tôi như mới của ngày hôm qua, bởi tôi vẫn còn nhớ như in ký ức về những ngày đã nằm lại trong quá khứ, cứ như thể mọi thứ đã được tôi sắp xếp một cách cẩn thận, ngăn nắp vào những góc khác nhau trong tâm thức vậy...
Tôi đã từng có một tuổi thơ êm đềm. Tôi không phải chịu một tuổi thơ dữ dội như các em nhỏ thời chiến trong tiểu thuyết của nhà văn Phùng Quán, cũng chẳng gặp phải những điều bất hạnh, khổ đau đè nặng lên đôi vai như nhân vật nhí trong tác phẩm Thời thơ ấu của Mac-xim Gor-ki. Bức tranh tuổi thơ tôi như được vẽ nên bởi những nét bút chì dịu nhẹ, hiền hòa giữa vòng tay bố mẹ, bạn bè và những con người mà tôi yêu mến.
Ai đó đã từng nói, hạnh phúc trong cuộc đời này được cấu thành từ vật chất và tinh thần. Tôi không biết được công thức làm nên hạnh phúc là gì, bởi ở nơi miền quê nghèo lam lũ nơi tôi lớn lên, cái vị đủ đầy về vật chất, chưa bao giờ tôi được nếm thử, nhưng có những kỷ niệm mà nếu có thể đổi lấy bằng tiền bạc hay sự giàu sang, chưa hẳn tôi đã chấp nhận. Vật chất chỉ là cái vỏ bọc không bền vững bên ngoài của con người, và tinh thần mới là cái nằm sâu trong tâm hồn mà sẽ theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Ngay lúc này đây, tôi muốn kể lại cho các bạn nghe câu chuyện về tuổi thơ tôi, có thể nó không quá đặc biệt, nhưng biết đâu, bạn có thể tìm thấy trong đó những sự đồng cảm, hay những kỷ niệm quen thuộc mà đôi lúc, bạn đã vô tình đánh rơi vào dĩ vãng...
Ở nơi ấy, tôi có một người mẹ để yêu thương, để được chăm sóc và vỗ về. Giấc mơ trưa của tôi chứa đầy những trìu mến, những ngọt ngào hòa vào trong lời ru ầu ơ của mẹ. Những lời ru thiết tha trầm bổng như xua tan đi bao muộn phiền của cuộc sống và dẫn tôi vào giấc ngủ yên bình. Tuổi thơ sẽ không bao giờ đẹp nếu thiếu đi bàn tay của mẹ, đôi bàn tay ấm áp đặt lên má con những đêm đông lạnh giá, đôi bàn tay mát lạnh mang cơn gió đến bên con mỗi trưa hè nóng bức. Những lỗi lầm mà con đã mắc phải, dù lớn hay nhỏ vẫn được mẹ thứ tha bằng tất cả lòng bao dung vô bờ bến. Vòng tay mẹ vẫn luôn rộng mở để đón con vào lòng, mẹ chở che và tiếp thêm nghị lực để đứa con yêu vượt qua mọi khó khăn. Mẹ là người mang cho con sự sống, cũng là người cầm tay con đi qua những nhịp cầu tuổi thơ và thậm chí cho đến hết cuộc đời. Những tháng ngày nghịch ngợm, lêu lổng đã lùi vào quá khứ, nhưng may mắn biết bao khi vẫn còn đó người mẹ hiền đáng kính trọng của con, món quà vô giá nhất mà con được nhận từ vị thần cuộc sống.
Ở nơi ấy, tôi có những người bạn cùng trang lứa để vui đùa. Dù chúng tôi sinh ra từ cái đói, lớn lên cùng cái nghèo, nhưng chưa bao giờ chúng tôi bận tâm về điều đó, bởi tình yêu thương của bố mẹ, của bạn bè đã giúp chúng tôi quên đi những thiếu thốn tầm thường về mặt vật chất.
Nụ cười trên môi có khi nào tắt được khi những trò chơi dân gian chỉ với những viên đá, cành cây, hay đồng tiền xu... được chúng tôi chơi cả ngày mà không biết chán. Chúng tôi cũng không quên tìm những trò chơi mới để nghịch ngợm, để phá phách thế giới xung quanh dù cho nó có yên bình đến đâu.
Tôi nhớ những buổi trưa hè nắng cháy thịt da, cả lũ vẫn trốn bố mẹ, rủ nhau đi tắm sông rồi tổ chức một cuộc thi bơi mà tất cả những vận động viên đều sắm luôn vai trọng tài, và lẽ đương nhiên, phần thưởng dành cho người thắng cuộc chỉ là mấy thứ quả linh tinh mà cả bọn sẽ rủ nhau đi hái trộm ngay sau đó.
Tôi nhớ những buổi chiều lộng gió tung tăng trên cánh đồng quê hương với con diều giấy nắm chặt trong tay, những con diều bay cao, chao đảo, lượn lờ như vẫy gọi lũ trẻ đến với khung trời bao la mà đôi bàn tay bé bỏng của chúng không thể với tới được. Dù bóng dáng nhỏ bé của chúng chìm vào giữa không gian mênh mông được giới hạn bởi bầu trời và cánh đồng bất tận, nhưng những con diều đầy màu sắc đã giúp chúng nổi bật hơn bất cứ điều gì đang tồn tại. Chúng vẫn mải miết nô đùa để đến khi màn đêm khép lại, tất cả buồn bã trở về nhà với bộ quần áo lem luốc mà chắc chắn rằng, bộ óc tinh quái của mỗi đứa sẽ nghĩ ra hàng tá lý do để biện minh cho sự nghịch ngợm không giới hạn của mình. Nhưng điều đó đâu có quan trọng, bởi đấy là những lời nói dối thật lòng, thật như chính tâm hồn ngây thơ, trong sáng của chúng vậy.
Ở nơi ấy, tôi có những ước mơ. Dù cho với người lớn đó là xa vời, nhưng nó mãi là những hoài niệm đẹp về những gì chúng tôi đã yêu và đã mơ. Đứa thích làm bác sĩ, y tá, đứa muốn làm giáo viên, công nhân, và cũng có đứa trả lời đơn giản rằng, lớn lên nó chỉ thích làm... một người vợ. Cái ước muốn nhỏ nhoi ấy, xuất phát từ miệng một đứa trẻ quê mùa, đôi khi lại khiến người lớn phải trăn trở, suy tư. Tại sao người ta cứ mải mê chạy theo những hy vọng xa vời của tương lai, mà hờ hững quên đi những hạnh phúc giản đơn của hiện tại.
Chúng tôi vẫn vô tư và chẳng cần bận tâm xem cảm nhận và suy nghĩ của người lớn như thế nào. Chúng tôi làm những gì mình thích, nói những gì mình cho là đúng, và ăn những gì mình cho là ngon.
Ở nơi ấy, chúng tôi tin tưởng và sống không hoài nghi. Dù cho những điều bố mẹ nói không phải là chân lý, nhưng lại là lẽ phải. Chúng tôi đặt niềm tin vào gia đình, thầy cô, bạn bè và bảo vệ niềm tin ấy như chính bản thân mình. Chúng tôi biết yêu, biết ghét và đó là hai trạng thái tình cảm phân biệt rõ ràng. Những cung bậc cảm xúc của chúng tôi không thể bị che giấu bởi chiếc mặt nạ giả dối mà đâu biết rằng khi lớn lên, đôi khi chính mình cũng phải đeo vào. Thế mới biết, khoảng cách giữa thế giới người lớn và thiên đường trẻ thơ tuy rất mỏng manh, nhưng cũng thật sự xa xôi.
Và rồi cuối cùng, tuổi thơ đẹp đẽ của tôi đã qua đi như một lẽ tất yếu. Để đôi lúc, ngồi ngẫm lại một mình và mỉm cười, tôi lại tiếc ngẩn ngơ. Những lúc bận rộn, mệt mỏi và mất phương hướng trong cuộc sống, chúng ta sẽ thèm lắm những tiếng gọi nhau í ới, những tiếng cười đùa rôm rả, và cả những không gian thanh bình, mộng mơ, để được thỏa sức vẫy vùng và quên đi những ưu phiền của thực tại.
Nhưng buồn thay, giữa hoài niệm và thực tại không có điểm chung. Tuổi thơ là một thiên đường cổ tích xa xăm mà chúng ta đã trót đi qua để tìm hương vị mới trong cuộc sống của người lớn. Để đến lúc chợt nhận ra rằng mình đã đánh mất đi một kho báu vô giá của cuộc sống thì không kịp nữa rồi.
Vậy nên, hãy trân trọng những gì thuộc về ngày hôm nay cũng như những gì đã nằm lại trong quá khứ. Bởi chúng sẽ là động lực, là niềm tin để bạn có thể vững vàng vượt qua mọi rào cản trên con đường dẫn đến tương lai. Và cũng bởi, sẽ có những lúc, áp lực cuộc sống khiến cho bạn cảm thấy chán nản, buông xuôi. Khi ấy, tôi tin rằng, bạn sẽ thấy sống mũi mình cay cay, lồng ngực mình thổn thức và từ tận nơi sâu thẳm nơi trái tim mình, bạn chỉ muốn cất lên tiếng nói nghẹn ngào: "Nhớ lắm. Tuổi thơ ơi".
Phạm Bá Tuấn