Vì tôi sống không quá xa và thường xuyên về nên quê hương trong tôi không da diết, khắc khoải khi nhớ tới; không háo hức, mong chờ khi sắp trở về; cũng không thổn thức, lưu luyến khi phải rời xa. Tôi hay về quê, thường là có công việc, lúc nào cũng vội vội vàng vàng hôm trước về, hôm sau đi, thậm chí có hôm còn chẳng kịp ăn bữa cơm với mẹ.
Tôi bắt đầu biết nhớ nhà, nhớ quê ấy là khi về ăn Tết quê chồng. Tết miền Trung rất đông vui, không có quá nhiều khác biệt, nhưng vui thế nào, mâm cao cỗ đầy ra sao cũng không khỏi chạnh lòng thương nhớ. Cả năm chỉ có mấy ngày làm dâu, Tết cũng không thể mang gương mặt rầu rĩ, tôi giấu nỗi nhớ quê vào những món ăn miền Bắc. Nhờ vậy, mâm cơm nhà tôi luôn mang lại thích thú cho khách và niềm vui cho cả gia đình. Cha chồng tôi thích nhất món bánh đa cá rô đồng, mỗi khi tôi nấu món này cha thường đùa bảo “Đừng ra Hà Nội nữa, ở nhà mở quán bún cá”.
Mở quán bún cá, tôi suy nghĩ nhiều về nó khi chán cảnh làm công lương ba cọc ba đồng. Thực ra, tôi cũng hay thèm vị thanh, thơm, ngọt của món ăn dân dã dễ tìm ở mọi ngóc ngách của Hải Dương quê tôi, nhưng lại mỏi mắt cũng không tìm được tại nơi tôi đang sống dù nơi đây tập trung đủ các món ngon mọi miền. Khó tìm thì càng thèm, càng thôi thúc.
Tôi tìm hiểu nhiều hơn thì được biết dù không phải bắt nguồn từ Hải Dương nhưng canh cá Hải Dương lại là một trong 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Tình yêu, niềm tự hào với món đặc sản quê hương, tôi khát khao phát triển và quảng bá tới mọi người.
Hành trình mở quán cũng chẳng dễ dàng gì bởi canh cá Hải Dương dân dã nhưng rất kỳ công, tôi vẫn nấu theo cách học được từ mẹ, ngon nhưng chưa đủ để có thể bán hàng. Lên google, tôi hí hửng vì có rất nhiều bài ca ngợi hết lời về món canh cá Hải Dương, lại có cả cách làm. Tất nhiên tôi cũng không hy vọng quá nhiều vào những hướng dẫn đó, nhưng thực sự là thất vọng nhiều vì khi nghe họ “phát biểu cảm tưởng” về món ăn thì rất hay, mà cách làm và nguyên liệu lại chẳng “Hải Dương” chút nào.
May mắn khi tôi tìm về quê thì lại gặp được người quen đang bán món đó, chị đã không giấu nghề, chia sẻ, dạy tôi rất nhiều để có thể tự tin mở quán. Nhiều người khen, nhiều người còn thấy lạ, tôi cũng vừa làm vừa điều chỉnh dần.
Tôi có thể phát triển và quảng bá được đặc sản của quê hương hay không tất cả chỉ vừa bắt đầu và khó khăn đang còn nhiều ở phía trước. Tôi chỉ biết giờ đây quê hương gần tôi, trong tôi hơn bao giờ hết, không còn vấn vương trong tâm thức mà hữu hình, hữu vị, hữu hương. Quê hương - giờ đây tôi có thể mang tới gần mọi người hơn lại có thể trở về mỗi ngày.
Đặng Thị Bảo Ngọc