![]() |
Tết khiến trái tim tôi nhận ra một điều... Trái tim tôi chưa bao giờ ích kỷ cho những khoảng trống của kỷ niệm và cho cả những yêu thương. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Hôm qua ngồi trò chuyện cùng bạn, vẫn cứ như ngày thơ bé, bạn sẻ chia cùng tôi tận cùng những vui buồn trong cuộc sống... mặc cho những xa cách về địa lý và cả sự phũ phàng của thời gian. Chúng tôi là những cô bé gắn bó với nhau từ thời một cái bánh cũng xẻ làm đôi, những tiếng lọc cọc, ì ạch của xe đạp cũng đưa chúng tôi đi đến nơi về đến chốn.
Tôi và bạn biết nhau cũng đã chừng 16 năm nơi mà một tiếng gằn giọng của bạn tôi cũng hiểu bạn đang có tâm sự gì. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành cùng nhau và ở khoảng giữa đó là 5, 6 năm không nằm chung một châu lục.
16 năm qua, chúng tôi cùng nhau hợp thành một đại gia đình lớn, nơi mỗi chúng tôi có thêm 3,4 ba mẹ, 5,6 anh chị em. Nơi mà sự có mặt của chúng tôi trong ngôi nhà của nhau chưa bao giờ là điều kỳ lạ mà đơn giản chỉ là việc trở về của những đứa con ở xa quê.
Bạn ngồi đọc cho tôi nghe email bạn viết cho năm đầu tiên ăn Tết xa nhà, năm đầu tiên của chuỗi 28 năm sum vầy cùng gia đình và người thân. Tết trong bạn là sự sum vầy và Tết trong tôi bỗng dưng được thức tỉnh. 5, 6 năm qua, tôi dần quên đi cảm giác hồ hởi, nô nức ngày Tết và do đó cái Tết trong tôi dần cũng trôi tụt đi.
Sống trong một gia đình Mỹ lại là khu mà cộng đồng châu Á lại là thiểu số. Tôi từ việc bất ngờ trong sự yên ắng của những ngày gần Tết cho đến khi lòng co thắt lại mỗi khi nhìn hình phố phường rạng rỡ đón chào năm mới từ phía đầu bên kia của thế giới. Đó là cái cảm giác đầu tiên của tôi trong năm đầu tiên tôi đón Tết ở một nơi xa nhà.
Năm mới sang, tôi sắp xếp lại những mối hỗn độn, xốn xang trong lòng mình để bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi lao vào hành trình vươn lên, hòa nhập vào một đất nước mới nơi bên tôi không ai khác là người bạn đời khác màu da và không cùng quốc tịch.
Tôi mải mê trong hành trình chinh phục nước Mỹ cho một năm kế tiếp, bỏ qua những bỡ ngỡ của năm đầu tiên. Tương lai mở ra những cánh cửa mới, nơi mỗi cánh cửa tôi bước vào chính là những trải nghiệm và những thử thách đón chờ cô gái 24, 25 tuổi ngày ấy.
Để đến cái Tết thứ hai khi tôi trở về, giữa cái xôn xao của Sài Gòn những ngày gần Tết, giữa những gương mặt quen và lạ, giữa những cái thân thuộc của tôi suốt 25 năm qua. Tôi đi về như đối diện với sự giằng xé của bản thân mình của tôi ngày hôm qua, tôi của giây phút giao thoa của hiện tại và cả những trăn trở của tôi của những năm tiếp theo.
Tôi rạng rỡ đi họp mặt bạn bè, cùng xem múa lân, cùng ôn lại những cái Tết trước đó vừa vụt qua bên gia đình, cùng người thân. Cái cảm giác thân thuộc, những khát vọng muốn trở về của tôi ngày xưa đó khiến tôi bồi hồi và đeo đẳng tôi theo một vài tháng sau đó khi tôi trở lại Mỹ.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Và một lần nữa tôi sắp xếp lại những ngổn ngang, lộn xộn trong tôi.
Đến cái Tết thứ ba, tôi lại tiếp tục rời Sài Gòn trong những ngày cận Tết rồi trở về Mỹ tiếp tục công việc theo dõi Tết tranh ảnh, thông điệp mọi người dành cho nhau trên mạng. Cuộc sống tại Mỹ và đặc biệt là ở những nơi không có mấy người Việt, ngày Tết cũng cứ như một con số, của hàng loạt con số nằm trên cùng một cuốn lịch. Tôi nhớ cái không khí mà nhà nhà trang trí Tết, phố phường xôn xao đón Tết, nơi mà Tết chưa kịp có mặt mọi người đã mong chờ và xôn xao.
Hành trình của một nhiếp ảnh gia mang tôi đến nhiều quốc gia, trải dài qua nhiều châu lục, khiến cho giây phút trở về nhà hằng năm trở nên rất quen thuộc. Thế nhưng cũng chính công việc ấy, nó khiến tôi bị động trong việc sum vầy cùng người thân vì bản thân tôi không quyết định được ngày trở về mà do chính khách hàng quyết định.
Ba cái Giáng sinh lưu lạc lòng vòng các quốc gia Châu Á lẫn cả nhiều châu lục khác. Ba thời điểm gần Tết tiếp tục vác máy chạy theo hành trình vòng quanh nước Mỹ. Ba năm rồi tôi không hưởng trọn vẹn được sự sum vầy của cả hai nền văn hóa tồn tại trong tôi.
Bạn tôi cứ thế tiếp tục đọc những câu chúc, những dòng thăm hỏi gia đình chuẩn bị Tết. Những dòng thông điệp ấy cứ như một lời kinh cầu, thức tỉnh cái Tết hiện đang dần ngủ quên trong tôi. Tôi thấy mình ngày càng như vô cảm với Tết, cho đến một buổi chiều bước vào siêu thị để chuẩn bị đồ cho chuyến bay trở về Mỹ.
Tôi lạc trong không khí nhạc xuân, những trang trí đậm màu của Tết, những món ăn truyền thống ngày Tết. Tôi đến bên những gian hàng lập bằng tre lá, đi dọc hết những quầy hàng siêu thị dựng riêng cho Tết. Tay tôi bắt đầu cầm lên từng món một, từng bước chân tôi như bỗng như chậm dần đi, và những giọt nước mắt bắt đầu trào ra.
Tôi như một đứa trẻ đi lạc, lạc trong những kỳ quan của thế giới, lạc trong cả chính cái nôi của riêng mình, lạc trong cả những giây phút trở về dửng dưng như một người khách....
Tôi lạc để rồi tôi tìm thấy mình trong chính không khí những ngày cận Tết....
Tôi chưa từng quên Tết vì Tết đã trở một phần của tiềm thức.
Tết chỉ trực chờ những khoảng lặng thích hợp để nhắc nhở tôi về những giá trị của gia đình, về truyền thống và cả những điều đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa hiện diện trong cuộc sống của tôi trong 28 năm qua.
Và Tết khiến trái tim tôi nhận ra một điều... Trái tim tôi chưa bao giờ ích kỷ cho những khoảng trống của kỷ niệm và cho cả những yêu thương.
Thai Nguyen Hong Ngoc