Tiểu hành tinh rộng 1 m 2023 CX1 lao xuống khí quyển và bốc cháy trên bầu trời châu Âu lúc 10h ngày 13/2 (giờ Hà Nội), chỉ vài tiếng sau khi nhà thiên văn Krisztián Sárneczky phát hiện ra nó bằng kính viễn vọng.
"Tôi phát hiện vật thể nhỏ này trong chuyến săn lùng vật thể gần Trái Đất (NEO) thường nhật. Tôi lập tức biết rằng đây là một NEO. Nó không di chuyển quá nhanh trên bầu trời, đang hướng thẳng về phía chúng ta và trông khá mờ", Sárneczky cho biết hôm 13/2. Đây không phải lần đầu tiên Sárneczky đưa ra cảnh báo sớm về cầu lửa. "Thợ săn" tiểu hành tinh chuyên nghiệp này từng làm điều tương tự vào tháng 3/2022.
Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) nhận được hơn 70 báo cáo về cầu lửa hôm 13/2 từ nhiều địa điểm tại châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan. Việc phát hiện 2023 CX1 vài giờ trước khi nó đâm xuống Trái Đất là lần thứ 7 các nhà thiên văn từng làm được trong lịch sử theo dõi tiểu hành tinh, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Nhóm tình nguyện Vigie-Ciel thông báo về phát hiện của Leblanc hôm 16/2 trên mạng xã hội Twitter. Vigie-Ciel cùng dự án FRIPON hợp tác với nhiều tổ chức khoa học của Pháp như Đài quan sát Paris và Đại học Paris-Saclay để hoạt động trong lĩnh vực không gian.
Leblanc phát hiện mảnh thiên thạch nhờ chú ý đến một tảng đá sẫm màu nằm ngang mặt đất trên cánh đồng ở thị trấn Saint-Pierre-le-Viger. Vigie-Ciel dự định rà soát khu vực và phối hợp với cư dân địa phương để tìm kiếm thêm các mảnh thiên thạch.
Đa số các quả cầu lửa đều vô hại và hiếm khi có mảnh vỡ rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, NASA, ESA và nhiều tổ chức khác vẫn theo dõi bầu trời 24/7 để phát hiện bất kỳ tiểu hành tinh nào đến gần quỹ đạo Trái Đất.
Thu Thảo (Theo Space)