Nghiên cứu này đã trải qua bình xét, đăng tải trên tạp chí Current Biology ngày 11/5. Công trình củng cố lập luận virus gây Covid-10 có nguồn gốc tự nhiên, thay vì thoát ra từ phòng thí nghiệm như một số giả thiết.
Virus mới tên RmYN02, cư trú trên 227 cá thể dơi, thu thập tại tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc kể từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Giống nCoV, RmYN02 nhân lên bằng axit amin xen giữa các protein. Các nhà khoa học cho rằng đây là đặc điểm bất thường và mấu chốt, khiến Covid-19 lây lan nhanh đến vậy.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự đan xen này rất kỳ lạ, chỉ tồn tại một cách tự nhiên ở các động vật mang betacoronavirus (một trong 4 chi của virus corona) trên cơ thể. Điều này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ chống lại luận điểm nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm", giáo sư Shi Weifeng, Giám đốc Viện Sinh học và Mầm bệnh, Đại học Y khoa Sơn Đông, giải thích.
Các nhà khoa học cũng xác nhận loài dơi móng ngựa của Malaysia, sinh sống ở khu vực Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc, là một vật chủ của RmYN02. Dù có chung đặc tính, virus mới dường như ít có nguy cơ lây lan sang người, so với nCoV. Một trong những điểm khác biệt là RmYN02 không có bộ phận quan trọng để bám vào tế bào của người. Đây cũng không phải "họ hàng gần" với nCoV.
"Hai loại virus có sự cách biệt về tiến hóa. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng bằng việc lấy mẫu từ tự nhiên, chúng ta có thể truy về nguồn gốc trực tiếp của nCoV, tìm ra cách nó lây lan sang người", ông Shi nói.
Trước đó, một số nhà khoa học nêu giả thiết nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm của WIV, nơi chuyên nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm. Gần 4 tháng qua, đây là chủ đề tranh cãi ngay cả khi dịch bệnh có chiều hướng suy yếu. Tổng thống Mỹ Trump cho rằng cơ sở khoa học của Trung Quốc là nguồn phát tán virus. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Thục Linh (Theo SCMP)