"Tôi nhìn điệu bộ ngón trỏ đưa lên gãi mặt của người trong video clip giống như nhìn thấy chồng tôi ngày trước. Khi người ta hỏi 'ăn gì chưa', câu trả lời cũng giống", chị Đinh Thị Cường, 41 tuổi, ở xã Yên Lãng (Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ sự việc xảy ra trưa 9/5.
Người phụ nữ mang đoạn video đưa một số người làng xem, ai cũng khẳng định người trong đó là anh Đinh Văn Phú, chồng chị. Chiều tối, chị tìm cách liên hệ với người đăng video.
Cách nhà chị Cường hơn 200 km, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở xã Cấp Tiến, Sơn Dương, Tuyên Quang đã quen với hình ảnh một người đàn ông lang thang, quanh quẩn gần nhà chị 11 năm nay. Trung bình vài tuần tới một tháng, anh lại ghé nhà chị một lần. Cứ tưởng anh bị gia đình bỏ rơi, nên lúc nào thấy anh là chị cho cơm, cho bánh. Một ngày giữa tháng 4, sau khi cho anh ăn, chị Tuyết nảy ra ý tưởng quay video đăng lên mạng với hy vọng "gia đình biết mà thương, tới đón anh ấy về, đừng để anh ấy ngủ bờ, ngủ bụi nữa".
Chị Tuyết không ngờ clip thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Nhiều người còn muốn gửi tiền ủng hộ, nhờ chị mua cơm nước, quần áo, dép cho anh và cũng có người nhận là người thân của mình, hỏi thăm địa chỉ để tới kiểm chứng. Giữa hàng chục người hỏi thăm, chị Tuyết thấy chị Cường có nhiều thông tin khớp nhất, bởi cách nói chuyện rất chân thành và chồng chị ấy đi lạc hơn chục năm, bằng "thời gian biết anh ấy".
Chị Cường nhờ chị Tuyết kiểm tra trước ngực người đàn ông kia có hình xăm tượng phật không. Trưa 11/5, sau hai ngày không thấy anh đi qua nhà mình, chị Tuyết và người thân tổ chức đi tìm. "Anh ấy cứ lang thang khắp nơi. Khi tôi dụ trở lại chỗ tôi thì anh ấy bỏ chạy rất nhanh, định vượt đồi sang xã bên cạnh. Bố mẹ tôi và mấy người hàng xóm đã giúp giữ lại", chị Tuyết kể. Thấy trên ngực người đàn ông có hình xăm như miêu tả, chị Tuyết quay video, thông báo cho chị Cường.
Nhận được tin, chị Cường "lập tức gọi cho anh em nội ngoại và báo cáo chính quyền, rồi thuê xe đi đón người". Lên tới Sơn Dương trời đã sẩm tối, gia đình gặp được anh Phú ở một con đường đất cạnh bìa rừng. Dù thần trí không bình thường, anh vẫn nhận ra em trai và vợ.
Chị Cường kể, chồng phát bệnh tâm thần lúc con gái thứ hai 7 tháng tuổi. Dù chạy chữa nhiều cách, bệnh của anh không thuyên giảm. Cuộc sống ngày đó của mấy mẹ con vô cùng khó khăn, người chồng nửa mê, nửa tỉnh, phá nhà cửa, gây nguy hiểm cho con.
"Lúc tôi đi làm thì nhà còn, lúc tôi trở về thì nhà mất vì anh ấy leo lên dỡ mái ngói vứt đi", chị kể. Sau hai lần mất nhà, người thân bàn đưa anh đến trung tâm bảo trợ vào năm 2008.
Vào trại được vài tháng thì anh trốn, bỏ đi. Kể từ đó, gia đình đi tìm nhiều nơi mà không thấy. Hễ ai đi đâu làm ăn xa về mách là chị Cường tìm đến, nhưng đều không phải chồng mình.
9h tối 11/5, anh Đinh Văn Phú trở lại nhà mình sau 13 năm. Con trai anh giờ đã 21 tuổi, con gái 18. "Anh ấy vẫn còn nhớ khá nhiều người, nhưng cũng quên nhiều. Thấy con gái thứ hai thì anh ấy hỏi: Thế cháu con cái nhà ai, mấy tuổi rồi?", chị Cường cười kể. Sau một đêm trở về, anh Phú vẫn chưa cho ai đụng vào người để tắm rửa và cắt tóc. Hai con cũng đang tìm cách làm thân với bố.
Trong những năm chồng mất tích, chị Cường vừa làm nông, vừa làm thêm nghề thuốc nam nuôi con và đi tìm chồng. "Thật không tưởng tượng nổi đi tìm bao nơi, thử bao cách không thấy, mà lần này lại thấy nhờ một video vài chục giây. Còn người là phúc đức rồi", chị nói.
Phan Dương