Lúc đó, Karen đang ở nhà ông bà. "Tuyết rơi dày, trời thì rất lạnh. Tôi đang đưa ba đứa con lên xe thì chiếc nhẫn tuột khỏi tay, rơi xuống tuyết", người phụ nữ kể. Karen cố đào tuyết nhưng không tìm được. Vài tuần sau, lúc tuyết tan, Karen quay lại, tìm thêm vài lần nữa nhưng "chẳng có điều may mắn nào xảy ra".
Bốn mươi tám năm trôi qua, Karen bất ngờ đoàn tụ với chiếc nhẫn đúng ngày Lễ Tình nhân nhờ một bài đăng trên mạng xã hội cùng sự giúp đỡ của các nhà sử học Chicago.
Câu chuyện tình yêu của Karen bắt đầu vào mùa hè 1962. Lúc đó, cô mới 17 tuổi, còn mang họ Berk gặp gỡ Robert Autenrieth 18 tuổi. Họ hẹn hò hai năm, đính hôn, sau đó làm đám cưới ngày 16/4/1966. Nhẫn cưới của hai vợ chồng khắc tên viết tắt của họ và ngày kết hôn.
Năm 1982, Karen và Robert chuyển đến định cư ở San Antonio. Nghĩ rằng đã mất nhẫn cưới từ sau chuyến thăm ông bà, Karen đã làm một chiếc nhẫn khác.
Ở Chicago, ngôi nhà ông bà Karen từng sở hữu giờ đây là nơi ở của Sarah Batka. Khoảng 7 năm trước, Sarah vô tình tìm thấy chiếc nhẫn khắc "R.A to K.B" và chuỗi con số "4-16-66" nhưng không thể xác minh ai là chủ nhân.
Cách đây hai tuần, Sarah thấy một người đàn ông đăng bài tìm nhẫn cưới trên mạng xã hội. Tưởng đó là chủ nhân chiếc nhẫn mình nhặt được, Sarah liên hệ nhưng hóa ra không phải. Thấy chiếc nhẫn, một người dùng mạng xã hội đã chuyển thông tin cho Linda Lamberty và Carol Flynn, hai nhà sử học, thành viên của Ridge Historical Society, một hiệp hội nghiên cứu lịch sử tại Chicago.
Bị hấp dẫn bởi "nhiệm vụ", Linda và Carol lao vào tìm kiếm. Chỉ sau vài ngày nghiên cứu hồ sơ, báo chí và các trang web gia phả, họ phát hiện đôi vợ chồng từng là chủ ngôi nhà Sarah đang sống có cháu gái tên Karen Berk Autenrieth.
Sử dụng mạng xã hội, Carol lần ra vợ chồng Karen và liên lạc để hỏi xem họ có mất nhẫn cưới không. Ngày 1/2, Carol và Karen gọi điện cho nhau. "Phía đầu dây bên kia đẫm nước mắt", nhà sử học chia sẻ.
Xác minh Karen là chủ chiếc nhẫn, Sarah chuyển món đồ thất lạc cho Carol. Chiếc nhẫn được chuyển qua đường bưu điện về San Antonio và đã đến tay người nhận sau quãng đường gần 2.000 km.
Karen không mở ngay bao bì đựng nhẫn ngay mà chờ đến Lễ Tình nhân. Để ăn mừng sự trở lại của chiếc nhẫn, gia đình Autenrieth tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn với con cháu.
Tháng 4 tới, vợ chồng Karen cũng sẽ ăn mừng kỷ niệm 55 năm ngày kết hôn nên với họ, việc tìm lại được chiếc nhẫn càng trở nên ý nghĩa.
"Chiếc nhẫn là một lời cam kết", Robert nói. "Nhẫn có hình vòng tròn, mà vòng tròn không có điểm dừng".
Thu Nguyệt (Theo San Antonio Report)