Khi bà bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, gọi y tế phường không được, con trai bà - anh Nam - lên mạng tìm liên hệ với các nơi hỗ trợ oxy tại nhà. Cả nhà Nam đều hiểu F0 đang tăng, nhiều người bệnh, lại nửa đêm nên cũng rất khó để y tế tiếp cận ngay với gia đình. Trong lúc chờ đợi hỗ trợ, anh cho mẹ nằm sấp, vỗ lưng, tập hít thở sâu.
Cùng lúc, vợ Nam - chị Lan - gọi cho bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), phụ trách tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, để xin hướng dẫn. Chị cho biết mẹ có nhiều bệnh nền, tai biến lần ba, liệt nửa người... các bác sĩ đều khuyên đưa đi viện. Vợ chồng chị đắn đo suy nghĩ "điều trị ở viện thì tốt" nhưng "mẹ bị liệt, vào đó khó bề chăm sóc được như ở nhà". Ngoài ra, gia đình có người giúp việc là F0 khỏi bệnh, ở với bà từ trước, gia đình quyết cho mẹ ở nhà chữa bệnh. Trước đó, bà Xuân được uống thuốc kháng virus bên y tế cấp cho F0 nặng, có bệnh nền.
Khoảng 40 phút sau, anh Huy (nhân viên một trung tâm oxy) mang theo bình oxy, mặt nạ thở tới. Anh lắp đặt bình và đưa cho bệnh nhân thở, sau đó hướng dẫn gia đình cách sử dụng. May mắn bà đáp ứng tốt, hết khó thở, dần tỉnh táo hơn, SpO2 tăng dần lên 87, 89, 92%, có thể tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.
Từ đó, hàng ngày, gia đình theo dõi sát sức khỏe của bà Xuân, bổ sung dinh dưỡng và thuốc theo chỉ định. Chị Lan cũng thường xuyên gọi các y bác sĩ để tư vấn thêm. Sau 6 ngày điều trị, SpO2 tăng dần, người bệnh ăn được, ngủ được, tinh thần tỉnh táo và sinh hoạt bình thường. "Nhờ thở oxy kịp thời mà mẹ tôi qua được nguy kịch", chị Lan nói. Chị đưa thông tin nơi cung cấp oxy lên mạng vì thấy nhiều người tìm kiếm, "nhất là gia đình có F0 thuộc nhóm nguy cơ muốn điều trị tại nhà thì càng cần chủ động".
Anh Sơn, ở Đống Đa, cũng tự đến nhà anh Huy nhận bình oxy. Vợ anh Sơn đang mang bầu, nửa đêm khó thở nhưng không thể liên lạc y tế, anh buộc phải tự đi tìm bình oxy cho vợ thở tại nhà.
Tuần qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô tiếp tục tăng nhanh và được dự báo tiếp tục tăng dù thành phố triển khai nhiều biện pháp kiểm soát. Thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, tính đến ngày 4/1, Hà Nội đang điều trị hơn 22.000 F0 tại nhà, gần 5.000 ca điều trị tại bệnh viện.
Trong bối cảnh đó, ngày 5/1, Hà Nội khởi động trạm oxy ATM và điều phối oxy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. 1.000 bình oxy dung tích 8 lít, 200 bình 40 lít, 800 đồng hồ đo, 30 máy oxy loại 7 lít, 20 máy oxy loại 10 lít, 500 bộ chia oxy được phân bổ đến các quận huyện và Trạm y tế lưu động cấp xã, phường... để hỗ trợ F0.
Phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) trở thành đơn vị đầu tiên tại Hà Nội thực hiện dự án "ATM Oxy". Phường này có khoảng 200 F0 đang điều trị tại nhà, lực lượng y tế khá mỏng để đảm bảo chăm sóc họ. F0 khi được chỉ định dùng bình oxy sẽ được thanh niên tình nguyện, tình nguyện viên vận chuyển từ các trạm y tế tới tận nhà và ngược lại.
Trong lúc đó, anh Huy cùng ba cộng sự tự nguyện ở trung tâm oxy vẫn tiếp tục mang bình oxy đến cho các F0 cần, trung bình mỗi ngày 4-5 trường hợp. Trước kia, anh từng phát bình oxy cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, muốn kéo dài để chờ gặp người thân. Khi dịch ở Hà Nội bùng phát, nhiều người quen biết gọi anh hỗ trợ. Ngoài hướng dẫn trực tiếp, anh hướng dẫn thêm qua mạng hoặc gọi điện tư vấn giúp gia đình chăm sóc F0 tốt hơn. Đa số là F0 khó thở vào giữa đêm, không gọi được y tế hoặc lúc nguy cấp, cần ngay bình oxy để "vượt qua cửa tử".
TS. BS Hoàng Thanh Tuấn (Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), cho biết F0 chủ động tìm nguồn oxy y tế là cần thiết, đặc biệt khi gia đình có F0 cao tuổi, vì lý do bất khả kháng cần điều trị tại nhà, phòng khi khó thở giữa đêm, cấp cứu chưa tới kịp,... như cách TP HCM đã từng làm trước đây.
Với F0 trẻ, khỏe, tiêm đủ mũi, bác sĩ khuyến cáo không nên tích trữ oxy tại nhà. Lý do là muốn dùng bình oxy cần có hướng dẫn chuyên môn, mặt khác tích trữ bừa bãi có thể gây cháy nổ, nguy hiểm tính mạng. Chưa kể, tự thở oxy khi không cần thiết hoặc thở oxy liều cao không phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyên để chóng khỏe, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập hít thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa. Tăng dinh dưỡng như ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Chuẩn bị oxy cho bệnh viện
Từ tháng 8/2021, Hà Nội đã xây dựng phương án chuẩn bị oxy y tế cho kịch bản 40.000 ca bệnh. Ngày 27/12/2021, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh rà soát hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Thường (Giám đốc) cho biết đã chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm dung tích 20 m3, đảm bảo cùng lúc cung cấp cho 500 người bệnh. "Hiện bệnh viện có thể đáp ứng điều trị thở máy 250-300 người và 200 bệnh nhân thở oxy", bác sĩ nói.
Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 có 500 giường, hai bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3. Các giường điều trị đều có đầu chờ để lắp nối chia sẻ oxy. Mặt khác, bệnh viện chuẩn bị thêm phương án đưa các bình oxy lưu động đến tận giường.
Làm việc với Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) mới đây, Sở Y tế cho biết có 5 đơn vị đang cung ứng oxy, khí nén cho 32 bệnh viện trên địa bàn. Từ đầu tháng 9/2021, các đơn vị đều khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ các giường bệnh có họng oxy.
Ngày 16/12/2021, Bộ Y tế cũng đề nghị 24 công ty sản xuất oxy y tế, tập trung cung ứng để cứu chữa người bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu trên cả nước, đặc biệt ở những vùng dịch nóng.
Thùy An
*Tên nhân vật đã thay đổi