Bà ngoại tôi tạm biệt nhân gian ba tuần trước, lúc gió chướng chạm tới miền Tây, nhắc ai hay quên rằng Tết sắp về. Ấp bàn tay bà nguội dần trong tay tôi, những ngày sau đó tôi vẫn chưa tin là cuộc chia ly ấy đã diễn ra. Tôi thèm một lần nữa được bà chèo xuồng chở đi vớt vỏ dừa, được líu ríu theo chân bà ra ngõ, hay đẩy xe lăn đưa bà đi thăm vườn.
Không như mọi năm, tôi tất bật hoàn tất công việc để về quê càng sớm càng tốt. Vì ở đó, tôi, mẹ và bà bắt đầu chuẩn bị cái Tết quê. Năm nay, tôi thấy mình vô phương vì đã mất đi mùa xuân yêu dấu của đời mình. Đó là ngoại.
Khi tôi còn nhỏ, nhà rất nghèo nên ba mẹ phải đi làm mướn. Mỗi ngày đi dặm lúa mướn, ba mẹ được trả 12 nghìn đồng, chắt chiu dành cho tôi đi học. Người tôi ở bên nhiều nhất những năm thơ ấu là ngoại. Đó là người hay chèo xuồng đưa tôi đi vớt vỏ dừa trên con sông trước nhà để có cái chụm lửa. Vỏ dừa đem về, nhánh to sẽ được phơi và cất vào bồ trấu để dành Tết nấu bánh tét, vỏ nhỏ để chụm lửa hằng ngày. Bằng cách đó, nhà tôi vẫn nấu lò trấu trong khi xóm giềng xung quanh đã nấu bằng bếp dầu.
>> Vui vẻ với những câu hỏi riêng tư ngày Tết
Tôi lớn lên, lao vào học hành, sự nghiệp, liên tục đặt ra mục tiêu cho bằng bạn bằng bè, nào là công việc, lương bổng cho đến khát khao trải nghiệm về vùng đất mới. Số lần tôi về nhà thưa dần. Còn ngoại tôi ở quê, chống chọi với chứng tai biến. Nó ngày càng khiến bà đi đứng kém nên mỗi lần tôi về thăm nhà cũng không đưa bà đi đâu được. Tôi dành thời gian cho bà ít đi, chia sẻ ít đi vì nhiều khi còn bận dán mắt vào điện thoại.
Khoảng bốn năm trước, một cơn mệt tim ập đến do dàn âm thanh của nhà kế bên đánh nhạc đùng đùng giữa đêm, ngoại tôi gần như ngã quỵ. Trong cơn giận và bất lực, tôi gần như năn nỉ hàng xóm mở nhạc nhỏ thôi dù họ không chịu. Và cũng lúc đó, tôi chợt hiểu ra bà có thể rời xa tôi bất cứ lúc nào. Có thứ gì đó động đậy làm tôi chợt nhớ lại những ngày ấm áp bé thơ. Ngoại và tôi đã luôn cùng nhau làm mọi việc, sao tôi lại không thể cùng bà đi qua những ngày tháng tuổi già?
Tôi mua về một chiếc xe lăn, khóc nấc lên và nói con xin lỗi vì những ngày khó khăn, vì con đã có thể đi nhiều nơi nhưng không thể đưa bà đi cùng. Bà cười: "Có xe lăn này vui lắm rồi". Tôi đẩy xe đưa bà ra trước sân vườn, lên khu chợ. Nhìn bà cười hạnh phúc, tôi tự hứa rằng sẽ luôn trở về nhà mỗi cuối tuần để chúng tôi có thể ở bên nhau. Tôi sẽ là đôi chân của bà. Những ngày như thế, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Nó đã dạy tôi ý nghĩa của sự trở về, của việc ta dành thời gian, sự chăm chút, sẻ chia gánh vác thứ tình thương yêu mang tên gọi gia đình.
>> Hoài niệm về ngày Tết miền Tây
Tôi từng đến thăm một cụ già, thấy chiếc đèn pin ở đầu giường cụ, tôi hỏi tại sao cụ để nó ở đây. Ông cụ bảo rằng ông rất hay mất ngủ nên phải dùng đèn pin để rọi đồng hồ xem mấy giờ, chờ trời sáng. Thì ra người già có đằng đẵng những ngày cô đơn mà tiền bạc, của ngon vật lạ không thể khỏa lấp. Chúng ta còn trẻ, chúng ta luôn có những ngày mai, những kế hoạch, mục tiêu. Còn những người già, bị gắn chặt vào chiếc giường, cuộc sống hầu như sẽ quẩn quanh với ba bữa cơm và những khoảng trống triền miên, những đêm chờ trời sáng. Và cái Tết, với chúng ta có thể chỉ là một kỳ nghỉ. Nhưng với những người già, nó là điều họ chờ đợi suốt 365 ngày để được gặp đông đủ cháu con. Bởi chúng là ngày mai, là niềm an ủi của họ.
Hôm qua, tôi thấy các bạn tôi và nhiều nhóm bạn khác í ới hẹn nhau đi du lịch, háo hức "check in" nơi này nơi kia, cũng như tôi vài năm trước. Tôi bỗng hy vọng giá nhiều người thử nghĩ lại, xem có ai đó đã chờ đợi mình ở nhà suốt cả năm ròng không. Đó có thể là ông bà, cha mẹ, một người thân, thậm chí chú cún hay đợi ngoài ngõ, một người lâu lắm ta quên ghé thăm. Tôi nguyện cho mọi người nhận ra đúng lúc, đừng để quá muộn để về với người thân vào mùa xuân ta đang có. Bởi những gì ta yêu thương có thể vụt mất bất cứ khi nào.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.