Dự án Galileo tiến hành bởi nhóm nhà khoa học ở nhiều viện, đứng đầu là Avi Loeb, giáo sư khoa học ở khoa Thiên văn học của Đại học Harvard, sẽ tìm kiếm và xem xét bằng chứng của "nền văn minh công nghệ ngoài hành tinh" (ETC) đã ngừng hoặc vẫn còn hoạt động, theo thông báo hôm 26/7.
Dự án sẽ phân tích dữ liệu từ các khảo sát thiên văn học, quan sát bằng kính hiển vi, và thiết kế thuật toán mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng vật thể du hành liên sao tiềm năng, vệ tinh do người ngoài hành tinh chế tạo và hiện tượng không xác định trên không (UAP).
Trước đây Loeb, giám đốc Viện Lý thuyết và Vi tính ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, từng nêu giả thuyết vật thể 'Oumuamua bay qua Trái Đất năm 2017 là ví dụ của công nghệ ngoài hành tinh. Giới nghiên cứu chỉ có thể quan sát 'Oumuamua trong thời gian ngắn trước khi nó tiếp tục hành trình tới những ngôi sao xa xôi. Hình dạng phẳng giống điếu thuốc lá và chuyển động khác thường của vật thể này khiến nhiều nhà vật lý thiên văn bối rối. Phần lớn nhà nghiên cứu xác định đây là một sao chổi. Loeb là một trong số vài nhà khoa học cho rằng 'Oumuamua là một dạng thiết bị không gian của người ngoài hành tinh.
"'Oumuamua có thể là vật thể công nghệ ngoài hành tinh, tương tự như cánh buồm ánh sáng cực mỏng hoặc đĩa liên lạc. Đây là vật thể du hành liên sao đầu tiên tới hệ Mặt Trời mà chúng ta từng biết nhưng điều đó không có nghĩa nó là cuối cùng. Một trong các nhánh nghiên cứu của dự án Galileo sẽ tập trung vào phát triển công nghệ tìm kiếm và theo dõi những vật thể như vậy, từ kính viễn vọng không gian và trên mặt đất. Các khu vực nghiên cứu khác bao gồm tìm kiếm vệ tinh đang quan sát Trái Đất và phân tích báo cáo về UAP", Loeb cho biết.
UAP hay còn gọi là vật thể bay không xác định (UFO) là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm sau khi chính phủ Mỹ công bố báo cáo UAP do các nhân chứng quân đội bắt gặp. Trong số 144 trường hợp UAP từ năm 2004 đến 2021 mô tả trong báo cáo, chỉ có một trường hợp được xác định là khinh khí cầu bị xẹp. Số còn lại chưa được giải thích.
An Khang (Theo Live Science)