Một tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh: thejakartaglobe. |
Theo Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự, các cơ quan hành pháp biển của Trung Quốc gồm: Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu; và Hải giám. Hải giám chính là cơ quan có ba con tàu đã quấy rối hoạt động của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hôm 26/5.
Hải giám (Marine Surveillance) là tổ chức được thành lập mới đây nhất, năm 1998. Đó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tự cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.
Theo trang tin trên, chương trình mở rộng lực lượng của Hải giám sẽ tăng quân số từ 9.000 lên 10.000 người, mua thêm 36 tàu tuần tra. Cơ quan này hiện có 300 tàu và 10 máy bay. Ngoài ra, Hải giám cũng thu thập và điều phối dữ liệu từ các hoạt động của tổ chức tại 10 thành phố lớn và 170 đơn vị hành chính khác ở vùng vùng duyên hải.
Chương trình tăng cường lực lượng của Hải giám Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nơi mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ. Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực 200 hải lý tính từ đất liền.
Hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc có các tuyên bố đơn phương về chủ quyền và các quyền liên quan mà không được các nước láng giềng công nhận.
Trung Quốc đã cử các tàu thuộc lực lượng Ngư chính và Hải giám hoạt động ở Biển Đông trong thời gian qua. Hôm 26/5, tàu hải giám của nước này đã cố tình cắt dây cáp của một tàu Việt Nam đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội ngay lập tức gửi công hàm phản đối, yêu cầu không để tái diễn các vi phạm, và đòi bổi thường thiệt hại cho Việt Nam trong sự việc này.
Anh Minh