![]() |
Tên lửa Patriot của Mỹ. |
Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) quy định những gì? Những nước nào đã tham gia ABM và vì sao cuối cùng Mỹ lại rút khỏi hiệp ước?... Dưới đây là đôi nét về ý nghĩa, nội dung của hiệp ước và quá trình các bên tham gia thực hiện nó.
ABM được tổng thống Mỹ Richard Nixon và tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev ký kết ngày 26/5/1972. Mục đích chính của Hiệp ước là để hạn chế những bên tham gia thiết lập hệ thống phòng thủ trên phạm vi quốc gia chống các tên lửa đạn đạo.
Các nước ký Hiệp ước ABM có quyền tổ chức hai hệ thống phòng chống tên lửa, một để bảo vệ thủ đô của nước đó và một tại khu vực phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hai khu vực đó phải cách nhau ít nhất 1.300 km. Hiệp ước cũng hạn chế việc thành lập những hệ thống phòng thủ có quy mô lớn trên toàn quốc gia.
Những hệ thống được triển khai phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chủng loại vũ khí. Tại mỗi khu vực, chỉ được phép có dưới 100 tên lửa đánh chặn và 100 bệ phóng. Thành viên tham gia hiệp ước không được thử và triển khai những hệ thống ABM trên biển, trên không, trong không gian hay di động trên đất liền bằng bất kỳ một công nghệ và kỹ thuật nào.
Hiệp ước ABM sau đó đã có một số thay đổi. Tại Hội nghị Reykjavik (11/10/1986), tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã đồng ý cắt giảm 50% số các lực lượng phòng vệ theo một kế hoạch 5 năm. Cả hai bên cam kết sẽ từng bước xóa bỏ hoàn toàn số tên lửa đạn đạo phòng thủ của mình.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các nước Belarus, Kazakhstan, Nga và Ukraine đã tham gia hiệp ước ABM.
Trong cuộc gặp tại Washington vào tháng 9/1994, hai tổng thống Bill Clinton và Boris Yeltsin nhấn mạnh mối quan tâm của đôi bên trong việc phát triển và triển khai một “hệ thống phòng thủ tên lửa”. Tuy nhiên, vì một hệ thống như vậy là trái với Hiệp ước ABM, Mỹ đã chuyển sự quan tâm của mình sang dự án NMD (Phòng thủ tên lửa quốc gia).
Khi lên nắm quyền vào đầu năm nay, Tổng thống Bush đã tiếp tục ý tưởng xây dựng hệ thống NMD. Ông tuyên bố sẽ đơn phương từ bỏ Hiệp ước ABM nếu không đạt được những thỏa thuận với phía Nga.
Xuân Tùng (theo BBC)