Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo khảo sát nhanh, trong 48 tỉnh, thành phố tổ chức khai giảng năm học mới, có hơn 14.000 trường tổ chức dạy học trực tiếp, hơn 11.400 trường dạy trực tuyến, hơn 8.700 trường chưa dạy. Hầu hết địa phương tập trung ưu tiên dạy các lớp cuối cấp (lớp 9 và 12).
Việc tổ chức dạy học trực tuyến trong những ngày đầu tiên của năm học gặp nhiều khó khăn do đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.
Chẳng hạn theo thống kê sơ bộ, TP HCM còn thiếu 72.000 máy tính để học trực tuyến. Nhiều tỉnh vùng khó khăn có 50-70% học sinh thiếu thiết bị học; nhiều thôn bản không có mạng Internet. Việc học trực tuyến với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1-2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định trong tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Với lớp 1-2, dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm.
Hiện, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình.
Bộ cũng đã tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) cho môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện phát hành Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại, Bộ lên phương án tổng hợp nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, hỗ trợ thẩm định.
Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, nhà trường phát phiếu học tập để đảm bảo việc học không gián đoạn. Với bậc học mầm non, Bộ xây dựng ngân hàng video để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.
Đại diện các đài, kênh truyền hình Trung ương cho rằng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, bên cạnh phương thức dạy trực tuyến, Bộ cần quan tâm hơn nữa tới phương thức dạy trên truyền hình bởi dù tương tác kém hơn học trực tuyến, khả năng tiếp cận công bằng với những gia đình nghèo lại cao hơn. Với học sinh nhỏ, học trên truyền hình thậm chí tốt hơn học trên điện thoại di động.
Việc phủ hết khối lớp, môn học cần có nhiều kênh phát sóng theo các khung giờ. Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Đài Truyền hình kỹ thuật số, Truyền hình Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng Bộ phải chủ trì phân vai cho từng kênh phát sóng các khối việc dạy học trên từng kênh truyền hình.
Một số ý kiến đề xuất thêm các phương thức để đưa nội dung giảng dạy đến học sinh qua USB, sóng phát thanh, trên nền tảng số. Mục tiêu cuối cùng là đưa các bài giảng đến học sinh với chất lượng tốt nhất, ở mọi nơi, mọi lúc.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc trực tiếp với các đài, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng bài giảng truyền hình, đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả em có điều kiện học trực tuyến. "Tinh thần là một môn học, lớp học phải có ít nhất hai khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, nhất là bậc tiểu học", Phó thủ tướng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng "học mà chơi, chơi mà học"; có hướng dẫn chi tiết để việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho phụ huynh, đặc biệt là kiến thức cơ bản về phòng chống dịch.
"Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh", ông Đam lưu ý.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả nơi có dịch và không có dịch. Bộ cần vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện dịch bệnh. Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng bảo đảm đường truyền phục vụ dạy, học trực tuyến.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trước mắt, giáo viên không kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình với học sinh lớp 1-2.
Với địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ sẽ điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học, thậm chí phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không để các em thiệt thòi.