"Người trồng thanh long đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khiến sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ gặp khó", ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nói tại hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021, ngày 30-31/8.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Nhưng với ngay thị trường xuất khẩu chủ lực, năm nay trái thanh long cũng gặp khó. Chẳng hạn, với thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 80% tổng lượng xuất khẩu thanh long, nước này đang siết chặt kiểm dịch hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu.
Cộng với chi phí logistics tăng cao đột biến, quả thanh long Việt xuất khẩu đang chịu sự cạnh tranh từ một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... tại thị trường xuất khẩu EU, châu Á và Mỹ. Những trở ngại này, theo ông Vũ Bá Phú cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.
Trong quá trình kết nối, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho biết, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam. Trong số này, Australia và Nhật là hai thị trường xuất khẩu tiềm năng quả trái thanh long Việt.
Theo các Thương vụ, điều các nhà nhập khẩu hay doanh nghiệp phân phối thu mua quan tâm là chất lượng nông sản Việt.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, việc đầu tư, áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau... cũng cần được doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu trong nước tính tới.
"Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự ổn định giá cả và lượng của sản phẩm do người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với sự thay đổi liên tục giá bán", ông Minh cho biết.
Đồng tình, ông Vũ Bá Phú đề nghị các địa phương, ngoài xuất khẩu trái tươi, cần đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ thanh long (thanh long sấy khô, sấy dẻo, rượu vang thanh long, siro thanh long...), bởi đây là những sản phẩm gia tăng đem lại giá trị xuất khẩu lớn.
"Đa dạng hoá các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long của các địa phương và doanh nghiệp được xem là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm", ông Phú nhấn mạnh.
Long An và Bình Thuận - hai "vựa" trồng thanh long lớn nhất nước đang gặp tình trạng khó tiêu thụ, giá giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh. Theo số liệu của Sở Công Thương Long An, sản lượng thanh long bình quân mỗi năm tại Long An khoảng 330.000 tấn. Nhãn hiệu thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Còn thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia, là Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Còn tại Bình Thuận, có 33.750 ha trồng thanh long, trong đó 11.936 ha được chứng nhận VietGap, GlobalGAP đạt 517 ha, sản lượng bình quân 650.000 tấn quả một năm. Tỉnh này hiện có 240 cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến sản phẩm gia tăng từ loại quả này (thanh long sấy khô, rượu vang thanh long...).
Anh Minh