"Tôi mơ về điều đó", Tim Cook trả lời New York Times khi được hỏi "Người Mỹ có nên bỏ phiếu theo cách hiện đại hơn và chống gian lận tốt hơn không".
"Chúng ta thực hiện giao dịch ngân hàng trên điện thoại. Chúng ta cũng có dữ liệu sức khỏe của mình trên điện thoại. Chúng ta đang lưu trữ thông tin trên điện thoại nhiều hơn trong nhà. Vậy tại sao không là bầu cử?" - CEO Apple nói.
Hệ thống bỏ phiếu của Mỹ không áp dụng nhiều công nghệ. Điều này trái ngược với các hệ thống ngân hàng, thương mại và chăm sóc sức khỏe của nước này, vốn được áp dụng các công nghệ tân tiến nhất.
Theo lập luận của Tim Cook, việc kết hợp các thiết bị công nghệ, như iPhone, trong quá trình bỏ phiếu có thể mở rộng phạm vi tiếp cận và tỷ lệ người Mỹ bỏ phiếu cũng cao hơn. Trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ năm 2020, có 67% người Mỹ đi bỏ phiếu - tỷ lệ cao nhất trong hơn 100 năm qua.
"Nó khá phức tạp", Cook nói về bộ máy bỏ phiếu của Mỹ. "Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta đang sai khi đề cập đến quyền biểu quyết. Chúng ta nên nói về việc sử dụng công nghệ. Làm thế nào để việc bầu cử đơn giản đến mức tỷ lệ tham gia đạt 100% hoặc tiệm cận mức đó".
Các chuyên gia cho rằng việc bỏ phiếu qua smartphone có thể mở rộng khả năng tiếp cận tới nhiều cử tri hơn. Tuy nhiên, theo CBS News, các chuyên gia an ninh mạng lo ngại hình thức này có thể xảy ra gian lận, bị tấn công hay vấn đề nhận dạng cử tri...
Ý tưởng của Tim Cook cũng nhanh chóng bị người phụ trách đối ngoại của bang Ohio - Frank LaRose - bác bỏ. Ông này đánh giá đề xuất của Cook là "phi lý". LaRose thừa nhận việc bỏ phiếu bằng smartphone có thể xảy ra trong tương lai, nhưng hiện tại thì chưa. "Bạn cần có năng lực công nghệ để làm điều đó, nhưng mọi thứ đang phức tạp hơn bạn nghĩ", LaRose nói thêm.
Bảo Lâm (theo Business Insider)