Thẩm phán Thomas S. Hixon của tòa án Nam California yêu cầu Tim Cook và Epic Games lấy lời khai có tuyên thệ trước khi phiên tòa chính thức diễn ra. Quá trình này sẽ được ghi lại làm bằng chứng.
Ban đầu, Epic Games muốn tranh luận với Tim Cook trong 8 tiếng. Tuy nhiên, phía Apple đưa ra nhiều lý do, gồm cả việc viện dẫn một tài liệu pháp lý có tên là Apex Doctrine, trong đó, điều khoản "bảo vệ các thành viên cấp cao của một doanh nghiệp khỏi các buổi kháng nghị không cần thiết" để từ chối.
Dù vậy, thẩm phán Hixon cho rằng việc áp dụng Apex Doctrine trong trường hợp này là không hợp lý bởi luật chỉ giới hạn thời gian tranh luận thay vì loại bỏ hoàn toàn. Ông nhấn mạnh tranh chấp giữa Apple và Epic Games buộc Tim Cook phải ngồi với đại diện hãng game và tòa án trong 4 tiếng, 8 tiếng hoặc khoảng thời gian nhất định ở giữa hai khung giờ này.
Apple sau đó đưa ra yêu cầu tối thiểu - 4 tiếng. Tuy nhiên, thẩm phán Hixon cho rằng tranh chấp cần nhiều thời gian giải quyết hơn. Cuối cùng, thời gian 7 tiếng được chọn.
Với thời gian 7 tiếng, thẩm phán Hixon cho biết đây là quy định cơ bản về "khoảng thời gian một nhân chứng phải chịu sức ép trước tòa", đồng thời nhấn mạnh thời gian nhiều hơn hoặc ít hơn đều không hợp lý. Bên cạnh đó, do tính chất quan trọng của vụ kiện giữa Apple và Epic Games, Tim Cook buộc phải đứng ra tranh tụng, nhất là các chính sách trên App Store - trọng tâm vụ kiện.
"Thực sự không có ai phù hợp hơn để làm chứng như Tim Cook, nhất là khi đề cập đến sự cạnh tranh trên thị trường vốn là mô hình kinh doanh cốt lõi của Apple", Hixon viết trong cáo trạng.
Cũng liên quan đến vụ kiện giữa Apple và Epic Games, Samsung tạm thời sẽ không bị lôi vào tranh chấp pháp lý này. Apple đã yêu cầu các tài liệu kinh doanh nội bộ liên quan giữa Epic Games và Samsung, nhưng tòa án từ chối.
Trước đó, hãng điện tử Hàn Quốc từng hợp tác với Epic Games để đưa game Fortnite lên smartphone Galaxy. Tuy nhiên, thẩm phán Hixon cho rằng Samsung thậm chí không tham gia vào tranh chấp, nên yêu cầu của Apple là "sự xâm phạm kỳ quặc".
Theo các chuyên gia, hai phán quyết từ tòa án chưa hẳn là chiến thắng cho Epic Games, bởi đây chỉ là những trở ngại nhỏ. Bên cạnh đó, Cook cũng khó có thể thua cuộc trong 7 tiếng tranh luận trước phiên tòa. Dù vậy, việc tòa án bác yêu cầu đưa Samsung vào vụ án sẽ gây khó khăn cho Apple, bởi các nhân chứng tiềm năng khác như Sony, Microsoft, Nintendo hay Amazon cũng sẽ làm điều tương tự.
Trước đó, Epic Games và Apple đã lôi nhau ra toà khi nhà sản xuất iPhone bất ngờ loại bỏ Fornite, một trong những game online ăn khách nhất thế giới hiện nay, khỏi kho ứng dụng của mình. Người chơi không thể tìm thấy và tải về trò chơi trên các nền tảng của Apple nữa. Với những máy đã có sẵn, tải về từ trước cũng không còn nhận được các cập nhật.
Nguyên nhân nằm ở việc trước đó Epic Games vi phạm chính sách của Apple khi lồng thêm tuỳ chọn thanh toán của riêng mình, nhằm lách luật ăn chia hoa hồng trên kho ứng dụng App Store theo quy định. Hãng game nổi tiếng này cho rằng Apple đã lợi dụng việc độc quyền để thu tiền lớn từ nhà phát triển cũng như người chơi. Tỷ lệ hoa hồng mà Apple nhận được 30% là quá lớn theo suy nghĩ của hãng game và khiến người dùng mất thêm tiền.
Cuộc chiến giữa Epic Games và Apple được đẩy đi xa hơn khi Apple đe dọa vô hiệu hóa các công cụ phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS. Điều này xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng đến mỗi Fornite và game thủ của trò chơi này mà còn có thể tác động tới nhiều trò chơi và phần mềm khác, do nền tảng phát triển đồ hoạ Unreal Engine của Epic Games rất phổ biến.
Cuộc chiến giữa Epic Games và Apple là một trong những sự kiện thu hút nhiều chú ý của giới công nghệ trong năm nay. Nếu Epic Games thành công, Apple sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thời gian tới. Họ phải chịu sức ép điều chỉnh lại mức hoa hồng 30% trên kho ứng dụng và thoả thuận có lợi hơn cho các nhà phát triển trong tương lai.
Phiên tòa chính thức giữa Epic Games và Apple diễn ra 3/5 tới.
Như Phúc tổng hợp