"Năm 2020, TikTok đã tăng gấp ba số lượng nhân viên làm việc tại Mỹ. Chúng tôi dự định sẽ thêm 10.000 việc làm ở đây trong ba năm tới", phát ngôn viên TikTok nói với CNBC. "Đây là những công việc được trả lương tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng niềm vui, sự trải nghiệm an toàn và bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng".
Động thái mới của TikTok được giới quan sát cho rằng nhằm "xoa dịu" chính quyền Trump và xóa dần nguồn gốc Trung Quốc của mình. Hiện mạng video ngắn này đã tuyển dụng gần 1.400 nhân viên toàn thời gian ở Mỹ, tăng từ 500 người hồi đầu năm nay.
Gần đây, TikTok cũng bổ nhiệm Kevin Mayter, Giám đốc điều hành lâu năm của Walt Disney, làm CEO và làm việc tại văn phòng ở Los Angeles. Công ty cho biết họ không cho phép người điều hành Trung Quốc xử lý nội dung của TikTok.
Trong khi đó, Mỹ ngày càng mạnh tay với TikTok, thậm chí đang "bóng gió" về khả năng sẽ cấm ứng dụng này trong tương lai gần. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Washington cân nhắc cấm mạng video ngắn của ByteDance vì lo ngại ứng dụng là công cụ do thám của chính phủ Trung Quốc, trong khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định sẽ cứng rắn với ứng dụng này.
Nhiều quan chức khác của Mỹ cũng ủng hộ lệnh cấm đối với TikTok. Thậm chí, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, đã gọi CEO Mayer của TikTok là "một con rối người Mỹ" trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.
Về phần mình, TikTok luôn phủ nhận các cáo buộc, đồng thời thuyết phục Mỹ rằng hãng không hoạt động ở Trung Quốc, rằng TikTok chỉ là ứng dụng giải trí, không chứa nội dung liên quan đến chính trị. Gần đây, công ty còn thành lập nhóm vận động hành lang, trong đó cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp và quan chức Mỹ rằng công ty dành "lòng trung thành" của mình cho Mỹ chứ không phải Trung Quốc.
Bảo Lâm